Xây dựng nền kinh tế số ASEAN: Bước ngoặt trong hội nhập khu vực, cơ hội mới cho Việt Nam

Xây dựng nền kinh tế số ASEAN: Bước ngoặt trong hội nhập khu vực, cơ hội mới cho Việt Nam

KInh tế số asean
17:29 - 21/01/2023
Một quyết định quan trọng được Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đưa ra ngày 22/11/2022, nhằm đẩy nhanh Kế hoạch chuyển đổi số ASEAN và ưu tiên khởi động đàm phán Hiệp định Kinh tế số ASEAN (DEFA) ngay từ năm 2023, với mục tiêu hoàn tất đàm phán trước năm 2025.

Điều gì đã thúc đẩy mạnh mẽ ASEAN đi đến quyết định này, những thách thức căn bản và nền kinh tế số mà ASEAN đang hướng đến thực chất sẽ vận hành ra sao? TS. Lê Quang Lân, Vụ trưởng Vụ Hội nhập Kinh tế, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Ban Thư ký ASEAN viết cho Mekong ASEAN từ Jakarta, Indonesia.

ASEAN đã sẵn sàng cho một cuộc chơi hội nhập mới, xây dựng nền tảng kinh tế số đầu tiên mang tính khu vực trên thế giới.

Nhiều năm trước, hội nhập kinh tế của ASEAN hầu như không đề cập đến khía cạnh kinh tế số. Ngay cả trong kỷ nguyên bùng nổ của Internet vào những năm đầu Thiên niên kỷ, ASEAN chưa bao giờ thực sự chuẩn bị cho sự kết nối hạ tầng viễn thông, chứ chưa nói đến việc xây dựng một nền kinh tế số thống nhất của khối.

Quá trình chuyển đổi số chỉ thực sự cất cánh mạnh mẽ và ấn tượng khi đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi hoạt động kinh tế và xã hội toàn cầu. Nền kinh tế ASEAN tất nhiên không phải là một ngoại lệ. Với một cấu trúc dân số tương đối trẻ và năng động, ASEAN đã thực sự là tâm điểm của xu hướng chuyển đổi số toàn diện. Theo đánh giá của Google và Bain trong Báo cáo E-conomy thường niên 2022, ASEAN có đến 460 triệu người sử dụng Internet trên tổng số 650 triệu dân số.

Báo cáo cũng đưa ra ước tính tỷ trọng kinh tế số của ASEAN sẽ tăng từ mức 1,3% GDP năm 2015 lên mức 8,5% GDP năm 2025. Giá trị của kinh tế số của ASEAN đã tăng ngoạn mục từ mức 220 tỷ USD năm 2015 lên đến mức 330 tỷ USD năm 2021 và dự kiến đạt 1.000 tỷ USD năm 2030.

Xu thế chuyển đối số không chỉ diễn ra ở những doanh nghiệp lớn hay ở một số lĩnh vực đã ứng dụng công nghệ tiên tiến lâu năm , mà còn diễn ra với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế.

Theo kết quả Điều tra của Phòng thương mại Quốc tế (ICC) kết hợp với Google tháng 12/2022, 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ của ASEAN bắt đầu bán hàng hóa và dịch vụ trực tuyến trong hai năm qua. Ngay cả đối với các doanh nghiệp đã có nền tảng bán hàng trực tuyến thì Covid-19 cũng buộc phải nâng cấp nền tảng nhằm mở rộng phạm vi và quy mô bán hàng. Trước đại dịch thì chỉ có 6% doanh nghiệp có 50% doanh thu bán hàng trực tuyến và con số này sau đại dịch là 15%.

Như vậy, khi bước vào kỷ nguyên số hóa, nhận thức của đại đa số doanh nghiệp ASEAN đã thay đổi căn bản khi kinh tế số được xem một phần không thể thiếu trong cấu trúc nội tại và mô hình kinh doanh của mọi doanh nghiệp.

Năm 2019, lần đầu tiên, ASEAN thống nhất một cách tiếp cận mới, kết nối các sáng kiến về chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực từ thương mại điện tử, hải quan, hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiêu chuẩn hóa số trong một Khung khổ hội nhập số ASEAN (ASEAN Digital Integration Framework).

Năm 2020, ASEAN xây dựng Bộ chỉ số về hội nhập số ADII để đo lường quá trình chuyển đổi số trong từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, sự thành công của nhiều sáng kiến dựa trên nền tảng số cũng thúc đẩy ASEAN tự tin hơn khi đến với quyết định chuyển đổi số khu vực.

Sự phát triển cách mạng của công nghệ số trên quy mô lớn buộc các nước ASEAN nhìn nhận lại mục tiêu ban đầu là mở rộng các ứng dụng công nghệ thông tin như một cách thức tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực.

Từ năm 2021, ASEAN khẳng định một tầm nhìn mới về kinh tế số được nêu tại Kế hoạch Kinh tế Số Tổng thể (Digital Master Plan 2025) do Hội nghị Bộ trưởng về Kinh tế Số (ADGMIN) thông qua. Theo đó hướng đến xây dựng “ASEAN là một cộng đồng và nền kinh tế số hàng đầu được vận hành bởi các dịch vụ, công nghệ và hệ sinh thái số an toàn và chuyển đổi”. Tháng 11/2021, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN một lần nữa khẳng định tầm nhìn này.

Cũng trong năm 2021, các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí khởi động đàm phán Hiệp định Kinh tế Số ASEAN (DEFA). Đây là lần đầu tiên ASEAN bày tỏ quyết tâm chính trị ở mức cao nhất về việc đàm phán một hiệp định có thể giúp khu vực ASEAN kết nối nhằm xây dựng một không gian kinh tế chung cho nền kinh tế số.

Căn cứ vào tầm nhìn của ASEAN, nền kinh tế số khu vực sẽ là cấu trúc với hệ sinh thái số an toàn, bền vững, cho phép mọi doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể áp dụng, triển khai các mô hình kinh doanh số hóa một cách thuận lợi trong khu vực. Khác với mô hình kinh tế thực, các chủ thể tham gia kinh tế số bao gồm doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý tương tác chủ yếu theo mô thức mới trong không gian số.

Thực tế là các thành viên ASEAN không có chung điểm xuất phát khi bước vào quá trình chuyển đổi số và xây dựng nền kinh tế số ASEAN. Singapore, Malaysia luôn thuộc nhóm các nước có chỉ số cao trên nhiều phương diện như chỉ số về dịch vụ trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông (TII) và phát triển nguồn nhân lực (HCI). Trong khi đó, Lào, Myanmar và Campuchia lại thuộc nhóm có chỉ số thấp nhất thế giới.

Đặc biệt về năng lực hạ tầng số, theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, gần 55% dân số của ASEAN vẫn chưa tiếp cận được với Internet. Thực tế này cũng có nghĩa khả năng tận dụng đầy đủ lợi thế của nền kinh tế số khu vực sẽ tùy thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị của mỗi thành viên.

Có một điều chắc chắn là đàm phán DEFA sẽ là điểm khởi đầu chứ không phải là sự hoàn tất việc xây dựng nền kinh tế số của khu vực. ASEAN có những nền tảng quan trọng có thể tạo nên sự đột phá về mục tiêu xây dựng kinh tế số ASEAN mà DEFA có thể kế thừa và phát huy.

Thứ nhất là nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới và trao đổi phi giấy tờ. Đây dự kiến sẽ là cấu thành cơ bản nhất, mang lại lợi ích thiết thực nhất trong mục tiêu xây dựng nền kinh tế số của ASEAN. Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, người tiêu dùng và dựa trên năng lực triển khai của phần lớn thành viên ASEAN.

Bên cạnh xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới, việc mở rộng trao đổi các chứng từ điện tử giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan hải quan ASEAN là bước tiếp nối hợp lý sau khi ASEAN đã hoàn tất việc trao đổi nhiều chứng từ hải quan theo Cơ chế Một cửa ASEAN (ASW).

Năm 2021, Hội đồng kinh doanh ASEAN đã xây dựng một dự án Kết nối Thương mại Số với mong muốn ASEAN có thể thiết lập một cơ chế tiên tiến hơn ASW, dựa trên những công nghệ mới và chấp nhận chấp nhận dễ dàng hơn các chứng từ điện tử kể cả các hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử và các chứng nhận điện tử.

Điều này có nghĩa ASEAN sẽ có những bước đi mạnh mẽ hơn nữa trong việc mở rộng phạm vi của ASW bao gồm việc mở rộng trao đổi cả các chứng từ điện tử về vận tải, logistics, tiến tới một nền thương mại không giấy tờ.

Thứ hai, thanh toán điện tử xuyên biên giới là ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế số ASEAN. Đây cũng có thể là cấu thành có khả năng tạo đột phá quan trọng sớm. Năm 2019, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN đã thông qua mục tiêu xây dựng một Thỏa khung về chính sách thanh toán ASEAN, nhằm định hình khung khổ thanh toán cho các giao dịch bán lẻ trực tuyến, sử dụng mã QR.

Thanh toán điện tử xuyên biên giới là ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế số ASEAN.
Thanh toán điện tử xuyên biên giới là ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế số ASEAN.

Ngày 15/11/2022, ngân hàng trung ương của 5 nước ASEAN gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã ký kết thỏa thuận cho phép các ngân hàng mở rộng các thanh toán điện tử ứng dụng QR. Đây là bước tiến rõ rệt nhất của ASEAN trong việc hiện thực hóa việc triển khai mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt và trực tiếp bằng đồng tiền nội tệ giữa các tài khoản ngân hàng, mà không cần thông qua việc chuyển đổi qua đồng USD.

Thứ ba, liên thông trao đổi dữ liệu số cũng được xem là nền tảng cơ bản của một nền kinh tế số thống nhất của ASEAN. Trong một nền kinh tế số không biên giới, việc thu thập và khai thác dữ liệu trên quy mô lớn của các chủ thể là điều kiện tiên quyết để phát triển các mô hình kinh doanh số hóa. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực mà các chính sách và quy định pháp lý giữa các nước ASEAN có nhiều khác biệt.

Mỗi nước ASEAN có xu hướng áp dụng các biện pháp quản trị trao đổi dữ liệu số với các ưu tiên khác nhau. Đây chắc chắn sẽ là lĩnh vực sẽ đòi hỏi sự trao đổi, hợp tác chặt chẽ của ASEAN. May mắn là ASEAN đã có những bước đi ban đầu quan trọng để hài hòa các quy tắc căn bản trong việc quản lý trao đổi dữ liệu số xuyên biên giới.

Năm 2019, ASEAN thông qua Cơ chế trao đổi Dữ liệu xuyên biên giới (ACCDF), bao gồm Cơ chế Chứng nhận Trao đổi dữ liệu và Áp dụng Điều khoản mẫu về trao đổi dữ liệu. Nhưng hạn chế lớn nhất của cơ chế này là chưa mang tính cam kết ràng buộc và sự tham gia của các doanh nghiệp hầu như chưa tạo ra được quy mô cần thiết để mô hình thực sự phát huy tác dụng. DEFA sẽ là cơ hội quan trọng để ASEAN khắc phục hạn chế này nhờ việc thiết lập cơ chế mang tính ràng buộc cao hơn với tất cả các thành viên ASEAN.

Thứ tư, khoảng cách số luôn là ưu tiên số một của ASEAN trong khi xây dựng nền kinh tế số khu vực. Khoảng cách số là sự khác biệt về năng lực giữa các chủ thể trong nền kinh tế của ASEAN khi tận dụng ưu thế mà kinh tế số mang lại. Tác động của quá trình chuyển đối số đang và sẽ tiếp gây ra những tác động to lớn, lâu dài đối với doanh nghiệp và người lao động.

ASEAN xác định đối tượng bị tác động lớn nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và những lao động trong nhóm các ngành nghề bị tác động mạnh với quá trình chuyển đổi số. Theo Báo cáo của ICC-Google về Xuất khẩu Số tại Đông Nam Á (2022), hầu hết các doanh nghiệp MSMEs sẽ sớm phải đối mặt với các thách thức chủ yếu như thiếu lao động kỹ năng trong chuyển đổi số, thiếu hỗ trợ đào tạo, thiếu kết nối Internet, giá dịch vụ cao và không đồng bộ.

Trong những năm gần đây, ASEAN đã thực hiện nhiều sáng kiến quan trọng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp MSMEs. Năm 2020, ASEAN thông qua Khung khổ về Nghĩa vụ Dịch vụ Chung Thế hệ mới (USO 2.0), nhằm khuyến khích các nhà mạng mở rộng dịch vụ băng thông rộng cho mọi đối tượng nhằm nâng cao chất lượng kết nối số. ASEAN cũng đưa ra khung khổ mới về việc áp dụng phí hòa mạng với mục tiêu giảm phí hòa mạng.

Từ năm 2016 đến nay, ASEAN cũng phối hợp với nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ sinh thái về đào tạo, đặc biệt cho các doanh nghiệp MSMEs. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc thành lập và vận hành Viện Đào tạo SME (SME Academy), một mô hình đào tạo hoàn toàn trực tuyến dành cho các doanh nghiệp MSMEs với số lượng học viên hàng năm khoảng lên đến trên 2.000.

Trong 2 năm 2021 và 2022, ASEAN cũng xây dựng đối tác công tư “Go Digital ASEAN” để đào tạo cho hơn 220.000 người, trong đó có nhiều doanh nghiệp MSMEs.

Phát triển nền kinh tế số của ASEAN là một cơ hội mới để Việt Nam bước nhanh và vững chắc hơn trên con đường chuyển đổi số cùng với các nền kinh tế số hàng đầu của khu vực. Không gian số đã và sẽ mở ra những cơ hội to lớn mà các doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra không hề kém cạnh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Thành tựu này dường như đã củng cố vững chắc cho mục tiêu trong Chương trình Chuyển đổi số của Chính phủ năm 2020. Đây là bước tạo đà rất thuận lợi để Việt Nam có chỗ đứng trên sân chơi mới của khu vực. Kinh tế số ASEAN chắc chắn sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa sớm hơn các mục tiêu của mình nhờ việc cho phép các doanh nghiệp mở rộng các ứng dụng mới trên quy mô lớn hơn nhiều cả về thị trường và các nguồn cung.

Vấn đề quan trọng nhất là Việt Nam cần đón đầu xu thế, tiến nhanh hơn nữa để nâng cấp hệ thống văn bản pháp lý mang tính đồng bộ và hài hòa với các chuẩn mực quốc tế và ASEAN, tạo cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, thúc đẩy thương mại không giấy tờ, thanh toán điện tử, finechs và chuẩn bị nguồn nhân lực lâu dài cho chuyển đổi số, hội nhập cùng ASEAN.

Đọc tiếp