Nhân viên y tế xét nghiệm Covid-19 trên các mẫu bệnh phẩm tại Ohio, Mỹ, ngày 6/12. Ảnh: Reuters |
Phiên bản Omicron khó phát hiện trên được trình bày trong buổi họp nội các chính phủ Anh ngày 7/12, trong bối cảnh ca nhiễm biến chủng Omicron tại nước này tăng từ 101 lên 437 ca chỉ trong một ngày.
Thông thường, nCoV bao gồm 4 gene là N, S, E và ORF. Xét nghiệm PCR hoàn chỉnh có thể chỉ ra toàn bộ những gene này. Biến chủng Omicron thông thường thiếu đoạn protein S. Như vậy, xét nghiệm PCR vẫn có thể phát hiện người nhiễm Omicron mà không cần giải trình tự gene virus.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm PCR tại Croatia, ngày 23/11. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, phiên bản “tàng hình” vẫn có nhiều đột biến tương đồng với biến thể Omicron tiêu chuẩn, nhưng nó lại vẫn có đoạn gene S. Trong tất cả các biện pháp thử nghiệm, phiên bản trên vẫn thể hiện đây là ca Covid-19 và có thể bị nhận diện thông qua phương pháp xét nghiệm di truyền. Tuy nhiên, PCR lại không phân biệt được nó với những trường hợp mắc biến thể khác.
Biến chủng “tàng hình” lần đầu tiên được ghi nhận trong các mẫu gene Covid-19 thu thập gần đây ở Nam Phi, Úc và Canada. Các nhà khoa học cảnh báo số ca có thể nhiều và mức độ lây lan rộng hơn, do PCR không sử dụng được trong trường hợp này.
“Có hai dạng khác nhau của Omicron, gồm BA.1 và BA.2. Chúng khá khác biệt về mặt gene di truyền”, tờ The Guardian dẫn lời giáo sư Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền học của Đại học London (Anh). Theo chuyên gia này, sự khác biệt về gene khiến “chúng có thể hoạt động khác nhau”.
Các nhà nghiên cứu cho hay vẫn còn quá sớm để biết được phiên bản mới của biến chủng Omicron lây lan như phiên bản tiêu chuẩn hay không, nhưng do nó có sự khác biệt về di truyền, có khả năng nó sẽ hành xử khác hơn. Dù thuộc nhóm Omicron, nó rất khác biệt về mặt di truyền nên có thể đủ tiêu chuẩn xếp vào danh sách ‘biến chủng đáng lo ngại’ nếu lây lan nhanh chóng.
Hiện chưa rõ vì sao phiên bản mới này xuất hiện. Tuy nhiên đặc tính "tàng hình" khiến các nhà khoa học lo ngại nó có thể âm thầm lây lan ở những nơi chỉ tập trung xét nghiệm PCR.
Nhiều quốc gia đã siết chặt các quy định về đi lại nhằm ngăn chặn biến chủng Omicron. Nhưng giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Han Kluge, ngày 7/12 cho rằng việc cấm các chuyến bay sẽ không có tác dụng vì "Omicron đã có ở khắp nơi". Ông Kluge nhấn mạnh các giải pháp quan trọng để ngăn biến chủng là vaccine, khẩu trang, giữ thông thoáng không khí và điều trị, thay vì hạn chế đi lại.
Omicron là biến chủng nCoV phát hiện đầu tiên tại Botswana hôm 11/11 và được Nam Phi báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 24/11. Dù WHO đã xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại, tuy nhiên đến nay chưa có dữ liệu chính xác về mức độ lây lan hay độc lực của nó.
Omicron đã lây lan tới 47 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều quốc gia đã quyết định siết chặt kiểm soát biên giới, đặc biệt với các nước phía nam châu Phi, trong lúc chờ thêm dữ liệu về mức độ nguy hiểm của biến chủng này