Nghị định thư về trái sầu riêng giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã chính thức có hiệu lực sau 4 năm đàm phán. Hiện GACC đã phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu Trung Quốc.
Tuy nhiên, để trái sầu riêng đứng vững tại thị trường tỷ dân này theo con đường chính ngạch, người sản xuất và doanh nghiệp còn cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Trồng trọt, bộ NN&PTNT, Việt Nam có hơn 85.000 ha sầu riêng. Nhưng mới chỉ có 3.000 ha được phê duyệt mã số vùng trồng, con số này là quá nhỏ so với tiềm năng hiện có.
Phát biểu tại Hội nghị “Triển khai xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc” chiều 12/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Trái sầu riêng là loại trái cây đặc biệt với nhiều tiềm năng, song để phát triển và gia tăng giá trị cho loại trái cây này cần có sự nỗ lực hơn nữa. Chúng ta hôm nay mang trong tâm thế lợi ích vươn xa. Do đó phải đảm bảo lợi ích công khai, minh bạch, cùng nhau vươn xa.
"Chúng ta ngồi với nhau chuẩn bị cho hành trình đi xa nhiều chuyến, đem lại giá trị cao cho ngành hàng sầu riêng. Đồng thời, thông qua câu chuyện trái sầu riêng, nhìn lại chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, nhìn lại lợi thế, tiềm năng, rủi ro, thách thức từ bên ngoài. Đồng thời, mong muốn không phải chỉ bán trái sầu riêng mà còn xây dựng hình ảnh sầu riêng Việt Nam đến thị trường đông dân, khó tính nhất là Trung Quốc", Bộ trưởng nói.
“Cần xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, bắt đầu từ câu chuyện của trái sầu riêng hôm nay. Hình ảnh trái sầu riêng không quan trọng bằng hình ảnh hệ sinh thái tạo ra trái sầu riêng đó. Đó chính là xây dựng thương hiệu”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nông dân chuyên nghiệp phải khởi đầu bằng chữ tín và tinh.
Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Thu Hương cũng đề nghị, không được để xảy ra vấn đề cạnh tranh không lành mạnh của các nguồn cung trong bối cảnh cơ sở đóng gói đạt chuẩn ít hơn nhiều so với vùng trồng.
Lãnh đạo Cục bảo vệ thực vật khuyến cáo các địa phương tổ chức giám sát tình hình thực tế, không để xảy ra tình trạng nguồn hàng không đảm bảo yêu cầu xuất khẩu đã tham gia kiểm tra, rồi xin hủy, gây tốn kém đến việc chuẩn bị nguồn lực.
Dù vậy, bà Hương cho biết, thời gian qua trong quá trình chuẩn bị, phía Trung Quốc đánh giá cao về một số khâu chuẩn bị của Việt Nam như công tác kiểm dịch, đảm bảo điều kiện phòng chống dịch...
Nỗ lực từ cả phía địa phương và các đơn vị liên quan
Trước tình hình trên, bà Hương nhấn mạnh cần có có sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan. Trong đó, nhân sự của vùng trồng và cơ sở đóng gói bắt buộc phải được tập huấn và có chứng nhận được cấp bởi Cục Bảo vệ thực vật và đơn vị khác ủy quyền.
Vùng trồng và cơ sở đóng gói phải đảm bảo điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, người sản xuất tuyệt đối không được gian lận mã số bởi theo bà Hương: Một người gian lận thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành hàng vùng trồng sầu riêng.
“Cơ hội chỉ thật sự mở ra, khi và chỉ khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác. Phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất. Phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch và chiến lược phát triển sản xuất sầu riêng bền vững, tránh sản xuất ồ ạt rồi lại thắt chặt để ảnh hưởng đến sản xuất. Đặc biệt, cần giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng để nắm bắt được thông tin, làm căn cứ quan trọng để giám sát chất lượng sầu riêng. Địa phương cũng cần tiếp tục tăng cường tập huấn người sản xuất và vùng trồng, cơ sở đóng gói hoàn thiện các hồ sơ.
Để duy trì và tiếp tục nâng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đề nghị Cục Bảo vệ thực vật và các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh trồng và có cơ sở đóng gói sầu riêng tiếp tục hướng dẫn các vùng trồng và cơ sở đóng gói hoàn thiện hồ sơ đăng ký, khắc phục để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân trong việc tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi gắm: “Chúng ta làm điều gì hãy làm hết mình. Có thể có khó khăn trước mắt nhưng phải chấp nhận để xây dựng một hệ sinh thái dành cho mình. Khi đó, doanh nghiệp luôn có niềm tin người dân bên cạnh, người dân cũng có niềm tin doanh nghiệp ở bên, tạo nên sự tin tưởng. Trước tiên phải vượt qua chính mình rồi mới có thể vượt qua người ta”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chia sẻ, nỗ lực của người sản xuất trong việc xây dựng mã số vùng trồng riêng không chỉ nên dành cho xuất khẩu. Bởi thị trường nội địa với 100 triệu dân là một tiềm năng không thể bỏ qua.
Nếu người sản xuất cũng chú trọng đến chất lượng sản phẩm trong nước, thì nền nông nghiệp của Việt Nam mới có thể bước sang một giai đoạn mới. “Chỉ khi nào tiêu thụ trong nước cũng được siết chặt mã số vùng trồng nền nông nghiệp Việt Nam mới không nhập nhằng giữa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Khi đấy, không còn quan niệm cái gì ngon thì dành xuất khẩu”, ông Hoan nói.