Trong đó, có 79 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 244,37 triệu USD (bằng 70,8% so với cùng kỳ). Có 18 lượt dự án điều chỉnh với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 171,96 triệu USD (gấp 3,38 lần so với cùng kỳ).
Về lĩnh vực đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 ngành/lĩnh vực khác nhau.
Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu với 23 dự án đầu tư mới và 6 lượt điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 150,28 triệu USD, chiếm 36,1% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Ngành thông tin truyền thông đứng thứ hai với hơn 114,32 triệu USD, chiếm 27,5%. Tiếp theo là các ngành sản xuất, phân phối điện, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; tài chính ngân hàng.
Về đối tác đầu tư, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong suốt 8 tháng qua, dấu ấn của Việt Nam đã có mặt tại 23 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đứng đầu là Canada với 1 dự án mới và 1 dự án điều chỉnh vốn, đem lại tổng vốn đầu tư hơn 150,2 triệu USD, góp phần quan trọng với tỷ lệ 36,1% tổng vốn đầu tư. Singapore, Lào và Cuba cũng góp phần vào danh sách này.
Năm 2023 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Canada, tại Lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Canada đã diễn ra vào ngày 24/8 vừa qua, Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN, với số vốn đầu tư từ Canada ngày càng tăng. Mục tiêu tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD sẽ sớm trở thành hiện thực trong thời gian tới.
Hiện tại, theo các số liệu thống kê, Canada hiện đang là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ 14 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Tổng các dự án đầu tư của Canada tại Việt Nam là 253 dự án với tổng số vốn ước tính khoảng 5 tỷ USD. Trong năm 2022, đầu tư trực tiếp của Canada vào Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm 2021.
Theo quan điểm của đại sứ Canada Shawn Steil đưa ra trong lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Canada tại Hà Nội ngày 24/8 vừa qua, Canada là một nhà đầu tư có nhiều tiềm năng tại Việt Nam. Ông đánh giá, với tổng số vốn đầu tư như trên là một con số ấn tượng vì phải xét đến việc các nhà đầu tư Canada tương đối dè dặt.
Đi cùng với đầu tư, theo đại sứ Canada, từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực tại Việt Nam vào năm 2018, xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada đã tăng mạnh. Trên thực tế, trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều, ước tính khoảng 93% trong đó là xuất khẩu của Việt Nam sang Canada.
Các sản phẩm của Việt Nam như hải sản, trái cây, nội thất, giày dép, quần áo, hàng điện tử… đang tiếp cận với thị trường Canada rộng lớn, người Canada yêu quý sản phẩm của Việt Nam.
Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Canada tại Hà Nội ngày 24/8. Ảnh: Phương Thảo |
Lũy kế đến ngày 20/8, Việt Nam đã có tới 1.665 dự án đầu tư ra nước ngoài duy trì hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư gần 22,1 tỷ USD. Trong đó, có 141 dự án do các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện, với tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài lên tới 11,67 tỷ USD, chiếm 52,8% tổng vốn đầu tư của cả nước.
Việc đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài chủ yếu tập trung vào ngành khai khoáng (chiếm 31,5%) và ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (chiếm 15,5%). Điểm đến quốc tế được ưu tiên nhất bởi các nhà đầu tư Việt bao gồm Lào (chiếm 24,7%), Campuchia (chiếm 13,3%) và Venezuela (chiếm 8,3%).