Thảo luận trên Nghị trường ngày 28/10 về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, rất nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ trăn trở về những điểm nghẽn phát triển nhà ở xã hội hiện nay, đồng thời “hiến kế” nhằm đáp ứng nhu cầu lớn về nhà ở của người lao động thu nhập thấp, công nhân...
Giải trình các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của người dân. Nhiều vướng mắc liên quan đến quy định và thực thi pháp luật, quy hoạch đất đai, đầu tư, đấu thầu, xây dựng, tín dụng… còn tồn tại.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị giải trình các vấn đề đại biểu nêu. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Bộ trưởng cho biết, từ năm 2021 đến nay, các địa phương đã quy hoạch 9.757 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội; có 622 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 565.177 căn, trong đó đã hoàn thành 79 dự án với quy mô 40.679 căn; đã khởi công xây dựng 131 dự án, với quy mô 111.687 căn và đã chấp thuận chủ trương đầu tư 412 dự án với quy mô 411.076 căn. Tuy nhiên, kết quả này chưa đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp; nhiều địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội.
Từ những vướng mắc khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy công tác này. Gần đây nhất, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Chính phủ đã ban hành kế hoạch, đề án và nhiều chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội; Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024... Trong đó, Luật Nhà ở có nhiều điểm mới, cơ bản tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội.
'Cần hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển nhà ở xã hội' Các đại biểu Quốc hội cho rằng nguồn cung cấp nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, các dự án triển khai còn bất cập, vướng mắc; đồng thời đề xuất cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện người dân dễ tiếp cận với các dự án nhà ở, ổn định cuộc sống. |
Tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát và các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng sẽ cùng với các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện Chỉ thị 34 của Ban Bí thư; Nghị quyết giám sát của Quốc hội và các đề án, kế hoạch chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội.
Bộ trưởng đề nghị các địa phường rà soát quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, bố trí ngân sách thoả đáng, ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư theo thẩm quyền... để đạt mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội.
Mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu cuối phiên thảo luận. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Tham gia phát biểu giải trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng tình với các ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu về những tồn tại trong quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, có tình trạng mất cân đối cung cầu. Số lượng nhà ở xã hội còn thấp, có nơi đã xây dựng nhưng không sử dụng, nhiều nhà ở tái định cư đang để lãng phí, nhà ở thương mại đang được tập trung đầu tư nhiều hơn...
Phó Thủ tướng nêu rõ, không chỉ đối tượng chính sách mà toàn bộ người dân, từ công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang… cũng được quyền thụ hưởng chính sách về nhà ở, 1 triệu căn nhà ở xã hội vẫn là một phần nhỏ bé.
Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng việc hoàn thiện các khâu điều tra, đánh giá nhu cầu đối với nhà ở xã hội, mở rộng các đối tượng thụ hưởng để mọi người dân đều tiếp cận được nhà ở xã hội là việc cần thiết. Cùng với đó, cần triển khai cụ thể ở từng địa phương công tác liên quan đến chiến lược, quy hoạch nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở đô thị, nhà ở thương mại và thu nhập cao.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, sắp tới Chính phủ sẽ mở rộng, tạo quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội; rà soát toàn bộ quỹ nhà tái định cư để chuyển sang nhà ở xã hội; đẩy mạnh cải cách, rút gọn, tinh giản quy trình thủ tục hành chính; mở rộng các đối tượng thụ hưởng, tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội...
“Chúng ta sẽ quản lý nhà ở xã hội thông qua quản lý lợi nhuận tối đa, đất đai không thu tiền, thủ tục hành chính cắt giảm... Nhà ở xã hội nhất định không được tăng giá để đảm bảo lợi ích cho người lao động,” Phó Thủ tướng khẳng định.