ACB là 'quán quân' về doanh thu phí bán bảo hiểm 4 tháng đầu năm

ACB Việt nAM
08:41 - 22/06/2022
ACB là 'quán quân' về doanh thu phí bán bảo hiểm 4 tháng đầu năm
0:00 / 0:00
0:00
Theo CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Ngân hàng Á Châu (ACB) đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 4 tháng đầu năm 2022 với 565 tỷ đồng.

Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây, CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết Ngân hàng Á Châu (ACB) đã vươn lên và xếp vị trí thứ nhất về doanh thu phí bảo hiểm (APE) 4 tháng đầu năm với tổng phí APE là 565 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2021, ngân hàng đứng thứ 5 với doanh thu lĩnh vực này khoảng 1.300 tỷ đồng.

Bancassurance là một thỏa thuận giữa các ngân hàng và các công ty bảo hiểm để bán các sản phẩm của công ty bảo hiểm thông qua kênh phân phối của các ngân hàng.

ACB đã ký hợp đồng bancassurance độc quyền có thời hạn 15 năm với Sun Life vào năm 2020. ACB có lợi thế vượt trội trong việc bán bancassurance do nhà băng này là một ngân hàng bán lẻ thực thụ. Khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME chiếm 95% tổng dư nợ cho vay năm 2021 của ngân hàng, và khách hàng cá nhân chiếm 80% tổng huy động vốn. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của ACB thuộc nhóm thấp nhất ngành, chỉ đạt 0,82% tại thời điểm cuối quý I/2022 và ngân hàng kiểm soát tốt tỷ lệ nợ xấu, chỉ ở mức dưới 1% kể từ năm 2016.

Do đó, theo quan điểm của Yuanta Việt Nam, tập khách hàng chất lượng của ACB sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu bancassurance trong thời gian tới.

Nguồn: Dữ liệu doanh nghiệp, Yuanta tổng hợp.

Nguồn: Dữ liệu doanh nghiệp, Yuanta tổng hợp.

Đứng thứ hai về doanh thu phí bảo hiểm là Ngân hàng Quân đội (MB). Khác với các ngân hàng trong hệ thống, MB vận hành một công ty bảo hiểm là MB Ageas Life với tỷ lệ cổ phần sở hữu là 61% và sở hữu 68,4% cổ phần tại công ty con bảo hiểm phi nhân thọ là CTCP Bảo Hiểm Quân Đội (MIC).

MB Ageas Life được thành lập dựa trên sự hợp tác với các đối tác bảo hiểm nhân thọ như là Ageas of Belgium (công ty này sở hữu 29%) và Muang Thai Life Insurance của Thái Lan (10%) đã đi vào hoạt động từ năm 2016.

Theo các chuyên gia phân tích, tỷ lệ sở hữu của MB tại công ty con bảo hiểm là một chiến lược khả quan do doanh thu phí bancasssurance đang bùng nổ. Nhờ đó ngân hàng nhận được khoản phí trả trước và cả những khoản hoa hồng từ công ty con bảo trong tương lai.

Ngoài ra, ngân hàng cũng được hưởng lợi từ lợi nhuận từ phí bảo hiểm và đầu tư trong dài hạn từ công ty con.

Vị trí thứ ba thuộc về Ngân hàngTMCP Sài Gòn Thương Tín (STB), nhà băng này và Dai-ichi Life đã ký thỏa thuận bancassurance độc quyền (thời hạn 20 năm) vào năm 2017, nhưng sau đó họ đã tái đàm phán và ký hợp đồng mới vào năm 2021. STB đứng thứ 6 xét về tổng doanh thu phí APE vào năm 2021, nhưng ngân hàng đã vươn lên và đứng thứ 3 với tổng phí APE là 454 tỷ đồng (tăng 13%) trong 4 tháng đầu năm 2022.

Doanh thu bảo hiểm vẫn là động lực thúc đẩy thu nhập phí

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, thu nhập của các ngân hàng sẽ ít bị phụ thuộc vào mảng cho vay trong tương lai. Cụ thể, thu nhập phí sẽ trở thành động lực thúc đẩy lợi nhuận, với hai nhân tố đóng góp chính là doanh thu bancassurance và phí dịch vụ thẻ.

Cụ thể, thông thường, các ngân hàng sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng lại bị kiểm soát bởi Ngân hàng Nhà Nước (SBV) thông qua cơ chế cấp hạn mức tín dụng hằng năm của SBV. Ngành ngân hàng Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, và các ngân hàng đang chuyển hướng sang tập trung mở rộng thu nhập phí, và bancassurance là một động lực cốt lõi của sự chuyển dịch này, Yuantan Việt Nam nhận định.

Trong đó, những động lực thúc đẩy chính cho Bancassurance là tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam và gia tăng GDP bình quân đầu người góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường bảo hiểm; hay người dân đang ngày chú ý nhiều hơn đến sức khỏe, đặc biệt là sau đại dịch. Từ đó hình thành nhu cầu đối với bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe.

Theo Yuanta Việt Nam, các ngân hàng thu tạo doanh thu từ việc bán các sản phẩm của các công ty bảo hiểm là đối tác của họ, và đồng thời cũng được hưởng lợi từ khoản phí trả trước từ thỏa thuận bancassurance độc quyền với công ty cung cấp bảo hiểm.

Ngoài ra, bancassurance còn giúp các ngân hàng khai thác thêm nhiều lợi ích khác từ khách hàng mà không phải tiêu tốn nhiều vốn của ngân hàng, từ đó giúp thúc đẩy ROE của các ngân hàng.

Đọc tiếp