Bộ trưởng năng lượng Ấn Độ Hardeep Singh Puri. Ảnh: Reuters |
Theo CNBC trích dẫn ông Hardeep Singh Puri, Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 3 trên thế giới, tương đương với 30% lượng tiêu thụ toàn cầu. Do đó, ông khẳng định Ấn Độ tự tin có thể sử dụng lợi thế thị trường của mình để tìm kiếm bất kỳ nguồn cung nào khi cần thiết từ bất cứ nơi nào đưa ra các điều khoản có lợi – các điều khoản đảm bảo sự chắc chắn về nguồn cung.
Ông tuyên bố mục đích cuối cùng của chính phủ là phục vụ cho người tiêu dùng trong nước. Đồng thời, ông Puri cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi không cho phép bất ổn địa chính trị, đại dịch hay bất cứ điều gì khác cản trở khả năng cung cấp cho người tiêu dùng của chúng tôi”.
Nền kinh tế của Ấn Độ đang tăng trưởng rất nhanh trong những năm trở lại, đi kèm theo đó là nhu cầu năng lượng gia tăng. Hiện mức tiêu thụ dầu của Ấn Độ là 5 triệu thùng/ngày và vẫn có thể tăng hơn nữa tùy theo tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Cụ thể, ông Puri đưa ra các dự đoán nếu như GDP Ấn Độ tăng trưởng đồng đều ở mức 6,5% hay 7% và mức tiêu thụ dầu của thị trường nội địa tăng gấp 3 lần mức trung bình toàn cầu, số lượng dầu được tiêu thụ trong một ngày sẽ không chỉ dừng lại ở ngưỡng 5 triệu thùng/ngày nữa. Thay vào đó, con số có thể là 6 triệu thùng cho tới 6,5 triệu thùng trong tương lai.
Trong bối cảnh đó, việc đảm bảo nguồn cung và tránh kịch bản khủng hoảng năng lượng là vô cùng trọng yếu. Bất chấp sự phản đối từ các quốc gia phương Tây, ông Puri cho biết chính phủ Ấn Độ nhìn nhận việc mua dầu Nga từ một góc độ khác.
Theo ông, nếu nguồn cung dầu toàn cầu bị gián đoạn, giá dầu chắc chắn sẽ tăng vọt. Một khi dầu của Iran bị trừng phạt, nguồn cung từ Nga gặp vấn đề trong khi Venezuela không thể cung cấp dầu của mình cho thị trường, giá dầu thế giới lúc đó rất có thể sẽ không chỉ dừng ở mức 200 USD/thùng mà là 480 USD/thùng.
Do đó, ông cho biết mối quan tâm của chính phủ Ấn Độ không nằm ở xuất xứ của nguồn cung mà ở sự ổn định của nguồn cung ở một mức giá có lợi, kể cả nếu nguồn cung là từ dầu Nga đang chịu trừng phạt.
Các tuyên bố này thể hiện thái độ nhất quán của chính phủ Ấn Độ trong việc tìm kiếm nguồn cung dầu mỏ và đảm bảo an ninh năng lượng. Trước đó, chính phủ Ấn Độ cũng nhiều lần thể hiện thái độ phản đối của mình về việc EU ưu tiên khủng hoảng năng lượng của khối nhưng lại kỳ vọng Ấn Độ làm điều khác.
Trên thực tế, Ấn Độ cũng đã nhập khẩu một lượng lớn dầu của Nga với mức chiết khấu cao kể từ khi các quốc gia phương Tây chính thức áp các lệnh trừng phạt kinh tế lên Moscow nhằm phản đối chiến dịch quân sự, đồng thời cắt giảm khả năng hỗ trợ tài chính của Điện Kremlin đối với chiến sự.
Theo số liệu được Reuters trích dẫn, nhập khẩu dầu của Ấn Độ đã tăng lên mức kỷ lục trong 5 tháng cuối năm 2022 khi nước này tích cực tăng cường mua dầu thô của Nga. Tới tháng 1/2023, các số liệu cho thấy khoảng 70% lô hàng dầu của Nga có đích đến là Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này hiện đang là khách hàng mua dầu Ural hàng đầu của Moscow trong những tháng gần đây.
Ấn Độ cũng không phải là quốc gia duy nhất tăng cường mua dầu của Nga sau khi quốc gia này khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt mà còn cả Trung Quốc nhằm tận dụng mức chiết khấu hấp dẫn.