Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI. |
Thông tin được ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ tại “Diễn đàn phát triển bền vững thị trường bất động sản và Trao chứng nhận Dự án đáng sống 2023” do VCCI chỉ đạo tổ chức sáng 22/9.
Ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh, bất động sản là thị trường có vị trí và vai trò quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã không ngừng quan tâm và ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ thị trường hồi phục, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tuy vậy, Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn nhìn vào số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới trong quý giảm.
“Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Cùng với thực tế thị trường, Chủ tịch VCCI đánh giá hệ thống chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai đang tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là Luật Đất đai 2013 sau gần 10 năm áp dụng đã cho thấy những bất cập khi chưa theo kịp hay chưa đủ chi phối những tình huống mới của thị trường bất động sản.
Luật Đất đai 2013 đang được sửa đổi, đã qua hai kỳ họp Quốc hội thảo luận và có thể sẽ thông qua tại kỳ họp tới. Kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 vừa qua cũng đã thảo luận cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Có một cơ hội lịch sử là cả 3 dự án luật quan trọng nhất với ngành bất động sản sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại cùng một kỳ họp - Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới. Các đạo luật này sẽ tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, cũng như tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản, thị trường nhà ở và nền kinh tế.
Khoảng cách giữa chính sách và thực tế vận động
Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đánh giá, sự vận hành thị trường bất động sản Việt Nam thời gian vừa qua vẫn đang nằm trong tổng thể các vấn đề chung về khoảng cách giữa chính sách, định hướng phát triển và thực tế vận động. Các vấn đề không thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều mà cần nhiều thời gian để thử nghiệm hay rút kinh nghiệm.
Theo ông Hải, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản. Điển hình nhất là Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững...
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản. |
Tuy nhiên, qua làm việc với các địa phương và doanh nghiệp, ông Hải đánh giá, hiện có rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc hoặc dừng triển khai thực hiện do nhiều nguyên nhân. Trong đó, phần lớn nguyên nhân liên quan đến pháp luật về đất đai như quy hoạch, định giá đất, đền bù giải phóng mặt bằng... Cạnh đó là những khó khăn liên quan đến nhà ở xã hội, nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức thực hiện...
Sau quá trình triển khai thực tế, ông Hải đánh giá Nghị quyết 33 đã cởi bỏ được tâm lý e ngại, mất niềm tin. Thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, quý 2/2023 nhìn chung ít khó khăn hơn quý 1 và có tín hiệu sẽ tích cực hơn nữa thời gian tới. Tuy nhiên, ông cho rằng thời gian tới, các bộ, ban ngành và địa phương vẫn cần tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để hoàn thiện thủ tục cho chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở giá rẻ, qua đó tăng nguồn cung về nhà ở. Đây chính là yếu tố cốt lõi để giải quyết vấn đề mất cân bằng cung – cầu hiện nay.