Quang cảnh Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập quốc tế, ASEAN và UNESCO. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN |
Chiều 25/4, Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức "Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập quốc tế, ASEAN và UNESCO". Hội nghị có sự tham dự của các phóng viên, biên tập viên chuyên trách đến từ nhiều cơ quan thông tấn báo chí.
Ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin & Truyền thông). Ảnh: Đỗ Thảo/Mekong ASEAN |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin & Truyền thông) chia sẻ rằng: “Hội nghị hôm nay được tổ chức nhằm cung cấp thông tin kịp thời, thường xuyên của Bộ Thông tin và Truyền thông cho các cơ quan báo chí về công tác hội nhập. Thông qua sức lan toả của các cơ quan báo chí, góp phần tăng cường hiểu biết cho người dân về hội nhập, UNESCO và ASEAN”.
ASEAN là một tổ chức hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển
Tại phiên thảo luận “Hợp tác ASEAN và sự tham gia của Việt Nam”, phóng viên Mekong ASEAN đã đặt câu hỏi với ông Trịnh Minh Mạnh – Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) về giá trị của ASEAN có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới, trong bối cảnh quốc tế đầy thử thách như hiện nay.
Ông Trịnh Minh Mạnh cho biết, giá trị của ASEAN khi trải qua gần 60 năm hình thành và phát triển, bao gồm: sự đoàn kết, thống nhất và thống nhất trong đa dạng; hợp tác và đối thoại; vai trò trung tâm,…
Ông Trịnh Minh Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao). Ảnh: Đỗ Thảo/Mekong ASEAN |
Tính từ thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN (năm 1995) đến nay, cũng như đối chiếu với cục diện địa chính trị đang có nhiều điểm nóng đang nổi lên (cuộc xung đột Nga – Ukraine, cuộc chiến tại Dải Gaza, tình hình tại Trung Đông, châu Phi,…), rõ ràng ASEAN đã duy trì sự hòa bình, ổn định trong sự đa dạng.
Tuy nhiên, ông Mạnh cho rằng vấn đề Myanmar thời gian qua là minh chứng cho thấy ASEAN cũng có những khó khăn trong nội bộ.
“Nhưng nhìn tổng thể, ASEAN vẫn thể hiện là một tổ chức hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Đây chính là điều làm nên giá trị của ASEAN, tạo nên sức hấp dẫn của ASEAN đối với các đối tác trên thế giới. Có thể kể đến các nước như Trung Quốc, Australia, Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand,… đều muốn tăng cường hợp tác với ASEAN. Điều này cho thấy ASEAN có giá trị và được tất cả các nước lớn coi trọng, tôn trọng và cùng ASEAN xây dựng Cộng đồng,” ông Mạnh nhận định.
Việt Nam là điểm sáng trong nỗ lực hội nhập khu vực của ASEAN
Với câu hỏi của Mekong ASEAN rằng Việt Nam có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và các đối tác, ông Trịnh Minh Mạnh khẳng định Việt Nam đã đóng vai trò chủ động, tích cực, có nhiều đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực.
“Điều này đã được thể hiện thông qua việc, sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN (năm 1995), chúng ta đã vận động Lào và Campuchia cùng gia nhập tổ chức, từ đó góp phần đưa ASEAN trở thành khối thống nhất,” ông Mạnh nói.
Phiên thảo luận “Hợp tác ASEAN và sự tham gia của Việt Nam”. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN |
Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN chỉ ra rằng: “Từ những ngày đầu 'bỡ ngỡ' khi mới gia nhập ASEAN, ngồi quan sát và thận trọng trong mọi việc, cho đến nay, Việt Nam đã dần dần vươn lên. Việt Nam đang đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong nhiều vấn đề quan trọng của ASEAN, đặc biệt là liên quan đến vấn đề hòa bình, ổn định và lợi ích sát sườn đối với ASEAN”.
Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, đóng góp vào sự phát triển của ASEAN, nhất là thông qua năm Chủ tịch ASEAN 2010, năm Chủ tịch ASEAN 2020. Đặc biệt, trong năm 2020 – thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến để đưa ASEAN vận hành trơn tru, bình thường trong bối cảnh không bình thường. Việt Nam cũng đi đầu, nòng cốt, dẫn dắt trong nhiều vấn đề, đóng góp vào hòa bình của khu vực (như vấn đề Biển Đông,…).
Thông qua mạng lưới thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong nỗ lực hội nhập khu vực của ASEAN. Việt Nam không chỉ tham gia FTA của ASEAN, các đối tác của ASEAN, mà còn “đi xa hơn” với các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA),… Điều này sẽ tạo động lực để các nước thành viên ASEAN tiếp tục hội nhập sâu sắc hơn, hợp tác chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, ông Trịnh Minh Mạnh cũng cho rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng “tạo cảm hứng” cho chính sách đối ngoại của ASEAN. Trong đó, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại.
“Khi đối chiếu với ASEAN, chúng ta có thể thấy, ASEAN cũng duy trì nguyên tắc độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, cân bằng quan hệ quan hệ giữa các nước lớn,” ông nhấn mạnh.
Ông Mạnh cũng cho rằng sự đóng góp của Việt Nam đối với kết quả chung của ASEAN được thể hiện thông qua việc tham gia vào các diễn đàn ASEAN; đưa ra những sáng kiến, đóng góp, đề xuất trong các văn kiện đã góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất trong ASEAN; đưa giá trị đoàn kết, thống nhất của ASEAN là ưu tiên số một; góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của ASEAN trên trường quốc tế.