Tổng thống Ba Lan khẳng định nước này sẽ không mở cửa cho ngũ cốc Ukraine kể cả khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen kết thúc. Ảnh: Reuters |
Ngày 17/7, Nga tuyên bố thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen hết hiệu lực và nước này sẽ chỉ gia hạn thỏa thuận nếu như các điều kiện mình đưa ra được đáp ứng”. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng các bên ký kết khác của thỏa thuận ngũ cốc "vẫn chưa tôn trọng một số điểm chính" liên quan đến Nga, bao gồm việc việc xuất khẩu lương thực và phân bón vẫn đang bị chặn, các giao dịch ngân hàng, bảo hiểm và hậu cần bị tê liệt.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, quyết định không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc đồng nghĩa với việc Moscow sẽ "thu hồi các đảm bảo an ninh hàng hải, chấm dứt hành lang nhân đạo trên biển và khôi phục chế độ ‘khu vực nguy hiểm tạm thời’ ở khu vực tây bắc Biển Đen".
Phản ứng lại các tuyên bố này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày thông báo đã gửi đề xuất đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, kêu gọi tiếp tục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen mà không cần có Nga.
Trong bối cảnh thỏa thuận Biển Đen có nguy cơ cao bị hủy bỏ, nhiều câu hỏi đã được đặt ra liên quan tới việc liệu các nước Đông Âu như Ba Lan có mở cửa thị trường để đón nhận ngũ cốc Ukraine hay không. Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Ba Lan ngày 18/7 cam kết rằng Warsaw sẽ không cho phép điều đó xảy ra và sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của nông dân Ba Lan.
Hãng tin RT trích dẫn ông Morawiecki cho biết: “Chúng tôi rất nghiêm túc về việc bảo vệ thị trường Ba Lan” cũng như khẳng định tiếp tục đóng cửa thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine. Tuy nhiên, ông cho biết quốc gia của mình sẽ tiếp tục giúp EU quá cảnh ngũ cốc Ukraine.
Theo ông, “đây là nhiệm vụ của Ủy ban châu Âu và của chính quyền Mỹ trong việc xây dựng các cơ chế phù hợp để xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Chúng tôi có thể đóng một vai trò nào đó, nhưng chúng tôi sẽ không mở cửa thị trường của mình để làm phương hại đến lợi ích của nông dân Ba Lan”.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2/2022, nông dân Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria đã chịu thiệt hại đáng kể do dòng ngũ cốc Ukraine tràn vào sau khi EU đình chỉ thuế hải quan đối với các sản phẩm nông nghiệp của nước này.
Hồi đầu tháng 4, hàng ngàn nông dân Bulgaria và Romania đã chặn các cửa khẩu biên giới vào Ukraine để thể hiện sự phản đối của mình. Cụ thể, Hiệp hội các Nhà sản xuất Ngũ cốc Quốc gia đã bắt đầu một cuộc biểu tình kéo dài 4 giờ tại các thị trấn Ruse và Kardam của Bulgari, phối hợp cùng các tổ chức nông nghiệp khác tại Romania.
Vào thời điểm đó, RT trích dẫn người đứng đầu Hiệp hội các Nhà sản xuất Ngũ cốc Bulgaria, Ilia Prodanov cho biết khoảng 3,5 triệu tấn lúa mì và hơn một triệu tấn hạt hướng dương của Bulgaria hiện đang nằm trong kho do nông dân nước này không thể bán được cây trồng và đang chịu thiệt hại nặng nề.
Để bảo vệ nông dân địa phương, vào tháng 5 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã áp đặt “các hạn chế tạm thời” đối với việc nhập khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và dầu hướng dương của Ukraine cho 5 quốc gia thành viên. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực cho đến ngày 15/9, tuy nhiên không cấm quá cảnh ngũ cốc của Ukraine qua lãnh thổ của các quốc gia này.
Tuy nhiên, các quốc gia Đông Âu có khả năng sẽ kêu gọi gia hạn lệnh cấm sau ngày 15/9 cho tới cuối năm 2023. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Hungary Istvan Nagy, đây là “cách duy nhất để bảo vệ lợi ích của nông dân châu Âu”.
Nông dân Romania biểu tình phản đối sự tràn vào của nông sản giá rẻ từ Ukraine. Ảnh: AP |