Sau gần hai năm phải đóng cửa do dịch bệnh, Indonesia đã mở cửa đảo Bali trở lại vào tháng 10 năm nay đón khách du lịch quốc tế đã được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, cuộc sống nơi đây vẫn chưa thể quay về như trước kia. Các con phố vắng bóng du khách và những nhà hàng, quán ăn treo biển ngừng bán vẫn là khung cảnh quen thuộc nơi đây.
Mở cửa nhưng vẫn vắng khách
David Lin, một thành viên của Hiệp hội Hướng dẫn viên du lịch Indonesia, chia sẻ hồi trước đại dịch, anh làm việc với gần 2.000 du khách nói tiếng Trung và kiếm được khoảng 1500 USD mỗi tháng. Hiện tại anh chỉ kiếm được 200 USD mỗi tháng không phải từ du lịch mà từ việc bán đồ ăn trên Instagram.
Đã có rất nhiều người lựa chọn rời khỏi Bali để tới mưu sinh chỗ khác. Số hướng dẫn viên nói tiếng Quan Thoại đăng kí với Hiệp hội chỉ còn 100 người so với con số 1.500 trước kia.
Hơn nữa, kể từ ngày mở cửa, chưa có một chuyến bay quốc tế nào đáp xuống Sân bay Quốc tế I Gusti Ngurah Rai của Bali. Những người làm việc trong ngành du lịch càng lúc càng lo ngại về việc để mất khách trước những đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Đã có nhiều tiếng nói bày tỏ sự thất vọng về những yếu tố cản trở như trình tự cấp thị thực phức tạp và yêu cầu chính phủ thực hiện nhiều chính sách hơn nhằm hỗ trợ ngành du lịch phục hồi.
Khu nghỉ dưỡng Nusa Dua ở Nam Bali trước kia đã từng là thỏi nam châm thu hút du khách quốc tế, tuy nhiên hiện giờ các bãi biển ở đây vắng lặng không bóng người. Các cửa hàng và nhà hàng đều đóng cửa, công trường cũng không còn người làm việc.
Một người phụ nữ giấu tên làm công việc massage và bán đồ lưu niệm cho biết hiện tại hoàn toàn không có khách du lịch tới Nusa Dua. Trước dịch bệnh, chỉ có những dịp hiếm hoi là cửa hàng của cô không có khách vì lúc nào bãi biễn cũng luôn đầy ắp người, đặc biệt là du khách châu Á.
Bãi biển chính tại Nusa Dua vắng khách du lịch.Ảnh: Nikkei Asia |
Kuta, một trong các cửa ngõ du lịch của Bali, là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trên các tuyến phố mua sắm chính, hàng dài các cửa hàng đóng cửa nghỉ bán. Còn tại bãi biển Kuta, những chiếc ghế nhựa đã từng được ngồi bởi khách du lịch giờ chỉ còn để trưng bày. Đâu đó lác đác có bóng của du khách nội địa, tuy nhiên con số này bị áp đảo hoàn toàn bởi số người bán đồ lưu niệm và đồ uống.
Nuryati, một người phụ nữ bán đồ lưu niệm chia sẻ: “Phần lớn du khách nội địa sẽ mua đồ lưu niệm tại các cửa hàng đại lý, vậy nên dù số du khách nội địa đang có xu hướng gia tăng, tình hình cũng chẳng được cải thiện mấy”.
"Rất khó để khách du lịch địa phương có thể thay thế thị trường khách nước ngoài", Dani, chủ một doanh nghiệp cho thuê ván trượt tại Kuta cho biết.
Theo ông Tjok Bagus Pemayun, Quyền Giám đốc Văn phòng Du lịch tỉnh Bali thì khách du lịch quốc tế bình quân một ngày sẽ tiêu nhiều gấp 5 lần khách du lịch nội địa. Sự xuất hiện trở lại của du khách nội địa là một dấu hiệu tích cực nhưng cũng không thể bù lại khoảng trống mà du khách quốc tế để lại.
Tuy vậy, sự tích cực này cũng sắp đi đến hồi kết khi giới chức Indonesia đang có kế hoạch thắt chặt các lệnh giãn cách xã hội trên đảo Java và Bali từ Giáng sinh đến ngày 1/2 năm sau. Động thái nhằm ngăn chặn sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 trong dịp lễ hội.
Các động thái nhằm cải thiện tình hình
Việc ngành du lịch gặp khủng hoảng đã tàn phá nền kinh tế Bali. GDP vào năm 2020 của địa phương này giảm 9,3%, mức giảm sâu nhất trong 34 tỉnh thành của Indonesia. Vào quý III năm nay, khi tốc độ tăng trưởng GDP toàn quốc tăng 3,51% thì GDP của Bali lại giảm 2,97% so với cùng kì năm ngoái.
Đường phố ở Kuta vắng bóng khách du lịch.Ảnh: Nikkei Asia |
Nhằm thu hút du khách, Bộ Du lịch Indonesia còn lên kế hoạch biến ba địa điểm du lịch tại Bali thành vùng xanh và cho phép du khách trải qua ba ngày cách ly trong các khách sạn tại các khu nghỉ dưỡng. Các nhà chức trách đã đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vaccine cho Bali để chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón khách quốc tế. Do đó, tỉ lệ tiêm phòng tại đây đạt ngưỡng hơn 70% - một trong những mức cao nhất trên cả nước.
Tuy nhiên, những động thái này không giúp ích được gì nhiều với tình trạng hiện nay. Theo Cục Thống kê, 9 tháng đầu năm nay chỉ có tổng cộng 35 du khách quốc tế đến Bali, một con số đối lập hoàn toàn với 200 người ngay trong ngày đầu tiên mở cửa trở lại của Phuket, Thái Lan.
Một chuyên gia trong ngành du lịch giải thích nguyên nhân có thể xuất phát từ sự thiếu đồng bộ của các bộ ngành khi nói đến việc mở cửa. Bộ Du lịch muốn mở cửa Bali để phục hồi kinh tế, tuy nhiên các bộ ngành khác lại muốn cẩn thận hơn để không làm số ca nhiễm Covid tăng lên. Do đó, du khách sẽ cảm thấy ngần ngại với ý định đến Indonesia khi phải đối mặt với nhiều lớp thủ tục phức tạp.
Ông Marco Groten, Phó Chủ tịch của Hyatt Hotels nhận định thủ tục nhập cảnh vào Indonesia hiện tại là vô cùng rắc rối. Du khách hoàn toàn không thể tự làm quá trình này một mình và còn phải tiêu tốn thêm một khoản tiền 250 USD nữa.
Nhưng hy vọng chưa phải là hết. Một Giám đốc điều hành tại Garuda Indonesia tiết lộ vào ngày 5/12, hãng hàng không này sẽ mở một tuyến bay giữa sân bay Haneda của Tokyo và Jakarta có điểm dừng tại Bali. Đường bay này cũng sẽ là đường bay quốc tế đầu tiên của Garuda đến Bali kể từ năm 2020.
Giới chức Bali cũng đang vận động chính quyền trung ương giúp đỡ ngành du lịch bằng cách loại bỏ quy trình cấp thị thực rườm rà cũng như giảm thời gian cách ly bắt buộc xuống còn một ngày. Ông Pemayun cho biết họ muốn đồng bộ với các điểm du lịch khác ở châu Á không yêu cầu cách ly với những du khách đã tiêm vắc xin đầy đủ.
Ngoài ra, chính quyền Bali cũng đang đề xuất với chính phủ bổ sung các nước Australia, Mỹ, Nga và một số nước châu Âu vào danh sách xanh. Trước dịch, những du khách từ các quốc gia này chiếm đến 34% lượng khách đến Bali.