Tóm tắt kết quả chuyên đề về “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 chiều 18/9, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, những cải cách trong sửa đổi Luật Đất đai thời gian tới sẽ mang lại tác động tích cực, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn |
Theo ông Phong, trong lần sửa đổi này có 3 nội dung được cho rằng sẽ mang lại hiệu quả, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống người dân gồm:
Đổi mới công tác quy hoạch; định giá đất; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.
Về hệ thống tài chính đất đai, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết, có hai nội dung cơ bản được thảo luận là giá đất do Nhà nước quy định phải phù hợp với giá thị trường và phải cải cách hệ thống thuế sử dụng đất phù hợp với mức thu nhập của người lao động, người dân. Đồng thời sử dụng công cụ thuế ngăn ngừa tình trạng đầu cơ đất đai, có đất nhưng không đưa đất vào sử dụng để đất hoang hóa.
Ông Phong khẳng định các chính sách kinh tế có tác động đến bất động sản và thị trường bất động sản là vô cùng rộng và phức tạp. Việc thay đổi cơ chế chế quản lý từ sử dụng các mệnh lệnh hành chính áp đặt sang sử dụng thống nhất cơ chế thị trường trong tiếp cận đất đai sẽ không chỉ chống thất thu, hạn chế tiêu cực, tham nhũng mà còn cho phép lựa chọn được nhà đầu tư bất động sản có năng lực sử dụng đất đai tốt nhất.
Về một số nội dung cần lưu ý trong sửa Luật Đất đai, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề xuất: Cần thay đổi cơ bản chính sách tài chính về đất đai trong sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Trong đó có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương.
Nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô đảm bảo công khai, minh bạch.
Xây dựng chính sách pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp. Quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang…
Chú trọng phát triển thị trường bất động sản thông qua các giải pháp đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất, xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai. Chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại và chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về đất đai, trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin về đất đai…
Đối với đăng ký giao dịch và thông tin thị trường bất động sản cần quy định bắt buộc các hoạt động giao dịch đất đai, bất động sản đều phải thông qua sàn giao dịch kiểm tra và xác thực thay cho việc thực hiện công chứng như hiện nay.
Còn về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dành cho phát triển các công trình, dự án bất động sản phải quy định phù hợp với chiến lược phát triển thị trường bất động sản, để đảm bảo các dự án bất động sản được triển khai theo đúng tiến độ và đáp ứng được quy mô, mức độ phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra cần kiểm soát năng lực tài chính của nhà đầu tư phát triển bất động sản tham gia đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất để tránh tình trạng dự án bỏ hoang chậm, tiến độ đất đấu giá cao rồi bỏ cọc. Phát triển các kênh dẫn vốn cho thị trường bất động sản theo hướng bền vững như quỹ tín thác đầu tư bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm.