Bloomberg đưa tin ngày 2/12, trong một cuộc phỏng vấn tại TP HCM, đồng sáng lập VNG, một trong 4 kỳ lân (startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) là ông Lê Hồng Minh xác nhận, game vẫn là một mảng mũi nhọn của công ty này. Song VNG sẽ đẩy mạnh việc mở rộng trên toàn cầu, cũng như tìm cách tăng doanh thu từ các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây (Cloud).
Sự thành công của một công ty công nghệ như VNG tại sân chơi quốc tế được Bloomberg nhận định rằng, sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với Việt Nam, vốn được biết tới là một nước nông nghiệp và dệt may.
Như một phần trong kế hoạch tăng trưởng, VNG đã thực hiện các bước để đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch. Dường như công ty được cho là đang để mắt đến việc niêm yết tại Mỹ, mặc dù đây là điều mà ông Minh không trực tiếp xác nhận.
Chúng tôi muốn trở thành một công ty công nghệ toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi phải chơi trong cùng một sân chơi và tiếp cận cơ sở nhà đầu tư tốt nhất, đó cũng là những người khắt khe nhất trên thế giới
Là một trong những công ty khởi nghiệp hàng đầu Việt Nam, nếu VNG chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng (IPO) tại Mỹ sẽ khiến nó trở thành công ty công nghệ Việt Nam đầu tiên niêm yết tại Mỹ.
Theo ông Minh, bộ phận kinh doanh game VNGGames là chìa khoá để VNG mở rộng ra thị trường quốc tế. Hiện VNGGames có lượng người dùng ở hơn 130 quốc gia và dự kiến sẽ đạt 320 triệu khách hàng trên toàn cầu vào năm 2030. VNG có 7 văn phòng ở nước ngoài, bao gồm Bắc Kinh, Đài Bắc (Trung Quốc) và Bangkok (Thái Lan).
Tiền thân là Vinagame, VNG bắt đầu hoạt động với tư cách là nhà phát hành trò chơi vào năm 2004. Công ty phát triển và phát hành các tựa game độc quyền, cũng như các phiên bản Việt Nam của các tựa game quốc tế nổi tiếng.
Sau đó, VNG cũng dần dần mở rộng sang nhiều loại dịch vụ như chia sẻ nhạc, truyền phát video, nhắn tin và thanh toán di động. Ứng dụng nhắn tin Zalo thành công đột phá khi vượt qua các nền tảng Facebook, Messenger của Meta vào năm 2020 tại Việt Nam.
Chia sẻ về thành công đó, lãnh đạo của VNG cho biết, Zalo đã chinh phục đông đảo người dùng Việt bằng cách cho phép họ gửi hình ảnh chất lượng cao, kết hợp với các tính năng phù hợp với văn hoá Việt Nam như biểu tượng cảm xúc Tết Nguyên Đán.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 2/2022, ứng dụng Zalo ghi nhận 74,7 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, còn Messenger dừng ở mức 67,8 triệu người.
"Chúng tôi tự hào về việc chúng tôi đã cạnh tranh công khai với những người giỏi nhất thế giới. Chúng tôi có thể xây dựng một sản phẩm vượt trội nhờ chất lượng đạt đủ tiêu chuẩn và khả năng thấu hiểu người dùng", ông Lê Hồng Minh nói.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm con đường thành công ở nước ngoài sẽ không dễ dàng gì khi những nhà phát hành game hàng đầu thế giới như Tencent của Trung Quốc hay Activision Blizzard của Mỹ, với quỹ ngân sách phát triển và tiếp thị lên đến hàng tỷ USD, cũng như sở hữu các tựa game nổi tiếng trên thế giới.
Có thể thấy, các ứng dụng của Mỹ như Facebook, Instagram, YouTube, cho đến Twitter đều là những kẻ thống trị thị trường mạng xã hội quốc tế, do đó việc TikTok của Trung Quốc thành công tại đây là một câu chuyện hiếm hoi của một nền tảng truyền thông xã hội đến từ châu Á.
Chuyên gia Alec Tseung, một đối tác của KT Capital Group, công ty nghiên cứu có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) cho rằng, VNG nên thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nhiều hơn vì sự tương đồng với Tencent, hoạt động kinh doanh game trực tuyến, nhắn tin, fintech (tài chính công nghệ) và thương mại điện tử. Dù vậy, ông Alec Tseung nhận xét VNG chưa có được lợi thế ở môi trường pháp lý để vượt trội hơn Tencent.
Việc IPO thành công có thể tiếp thêm sức mạnh cho nỗ lực của VNG. Theo Bloomberg, VNG được định giá ở mức 2,2 tỷ USD đến 2,5 tỷ USD khoảng một năm trước. Ngoài ra, VNG cũng nhận được sự hậu thuẫn từ các nhà đầu tư hàng đầu như Tencent, và các quỹ đầu tư nhà nước Singapore như GIC và Temasek.
VNG đã cân nhắc về kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ ít nhất là từ năm 2017. Tháng 7 vừa qua, hãng truyền thông IFR đưa tin rằng, công ty đang lên kế hoạch IPO tại Mỹ với giá trị khoảng 500 triệu USD bằng cách niêm yết khoảng 12,5% vốn cổ phần vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, về phía VNG chưa đưa ra thông báo chính thức nào về kế hoạch IPO tại Mỹ.