Bộ VHTT&DL đặt mục tiêu công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP

văn hóa DU LỊCH
15:35 - 22/12/2023
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Khẳng định ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đặt mục tiêu ngành này sẽ đóng góp 7% vào GDP trong những năm tới.

Công nghiệp văn hóa đóng góp 44 tỷ USD trong 5 năm

Báo cáo về tình hình phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng 22/12, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau 7 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam (Chiến lược 1755), các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật:

Về đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá vào GDP, năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP. Sau khi thực hiện Chiến lược 1755, năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).

Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu lao động, tăng 7,44%/năm.

"Sau 7 năm thực hiện Chiến lược 1755, Việt Nam đã trở thành quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hoá và còn nhiều dư địa phát triển", Bộ trưởng nhận xét.

Về đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đại diện Bộ VHTT&DL cho biết, sự xuất hiện của các trung tâm công nghiệp văn hóa, các thành phố sáng tạo đã và đang làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế, các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Sự thay đổi này đã tạo nên các kết quả đáng ghi nhận ở cả 12 ngành, giai đoạn 2018-2022 đối với ngành kiến trúc giá trị gia tăng bình quân tăng 7,37%; ngành thiết kế, giá trị gia tăng của bình quân tăng 6,36%, ngành thời trang giá trị gia tăng bình quân tăng 7,3%, lĩnh vực điện ảnh giá trị gia tăng bình quân 7,94%...

Bộ trưởng cũng cho biết các ngành công nghiệp văn hoá còn có đóng góp quan trọng trong công tác quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam.

Dù ghi nhận nhiều kết quả tích cực nhưng báo cáo của Bộ VHTT&DL cũng chỉ ra một số tồn tại trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn dàn trải, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng, nguồn nhân lực trong vẫn còn thiếu về số lượng và chất lượng.

Nội dung, hình thức các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa chưa khai thác được hết các đặc trưng văn hóa bản địa để tạo sự độc đáo, riêng có. Một số bộ phận doanh nghiệp và người dân chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền tác giả, tác động trực tiếp đến những người làm sáng tạo, gây cản trở cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa chưa thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ... Đặc biệt, hiện nay chưa có một văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý Nhà nước về công nghiệp văn hoá.

Để ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, Bộ VHTT&DL đã đề xuất một số mục tiêu trọng tâm như: Tập trung cho một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP; xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đa dạng, chất lượng cao; hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, định hình, mở rộng và phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo trên cả nước (Quảng Ninh, Quảng Nam, Kiên Giang, Huế, Đà Lạt…).

Một số giải pháp được Bộ VHTT&DL đưa ra để thực hiện mục tiêu trên gồm: Hoàn thiện khung khổ pháp lý để "khơi thông" nguồn lực; vận dụng các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới thông qua hoạt động giao lưu, hợp tác, liên doanh, liên kết với các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc….

Bộ cũng đề xuất xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp sáng tạo, đủ sức cạnh tranh ở những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh như phần mềm, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn… tham gia thị trường văn hóa trong nước và quốc tế và bổ sung Chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hoá vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp