Tối 5/12, Bộ Y tế Campuchia đã ban hành quyết định dỡ lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách châu Phi, đồng thời thông báo một số sửa đổi về thủ tục cách ly và xét nghiệm đối với người nhập cảnh. Trước đó từ 29/11, Campuchia đã tạm dừng tiếp nhận người đến từ Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia. Những người có lịch sử đi qua 10 nước này trong vòng 14 ngày cũng bị từ chối nhập cảnh.
Bộ Y tế Campuchia đưa ra Quy trình tiêu chuẩn để quản lý du khách nhập cảnh từ 10 quốc gia châu Phi và các “quốc gia chú ý nhập cảnh” khác. Theo đó, khách nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính được thực hiện 72 giờ trước khi nhập cảnh và do cơ quan y tế của quốc gia xuất cảnh hoặc quốc gia phát hành hộ chiếu công nhận.
Hành khách đến sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia, được hướng dẫn di chuyển đến khu vực xét nghiệm nCoV. Ảnh: Khmer Times. |
Khi nhập cảnh Campuchia, khách nước ngoài sẽ được xét nghiệm nhanh Covid-19. Trong trường hợp có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính, khách nhập cảnh phải xét nghiệm PCR bổ sung tại một cơ sở do Bộ Y tế hoặc cơ quan chức năng chỉ định. Nếu có kết quả xét nghiệm PCR dương tính, khách nhập cảnh cần phải điều trị.
Trong trường hợp có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, khách nước ngoài sẽ thực hiện cách ly 7 ngày tại khách sạn và làm xét nghiệm PCR vào ngày cách ly thứ 6. Trong trường hợp không ở khách sạn, khách nước ngoài phải đặt cọc 1.000 USD cho các chi phí cách ly 7 ngày tại nơi cách ly do Bộ Y tế hoặc chính quyền chỉ định.
Quy định mới cũng yêu cầu khách nước ngoài chưa tiêm đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 phải thực hiện cách ly 14 ngày sau khi đã hoàn thành quy trình.
Campuchia đảo ngược lệnh cấm đi lại sau khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 29/11 bày tỏ quan ngại về sự cô lập đối với các nước khu vực miền Nam châu Phi do các biện pháp hạn chế đi lại được áp dụng vì biến thể Omicron. Hiện biến thể này vẫn chưa được phát hiện ở Campuchia.
Omicron là biến chủng nCoV được phát hiện đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11 và được Nam Phi báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 24/11. WHO hôm 26/11 xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại, dù chưa rõ nó có thể làm giảm hiệu quả vaccine hay tăng nguy cơ trở nặng hay không.
Nhiều quốc gia đã quyết định siết chặt kiểm soát biên giới, đặc biệt với các nước phía nam châu Phi, trong bối cảnh ca nhiễm Omicron liên tục được ghi nhận ở các nước. WHO đã kêu gọi các nước dỡ bỏ lệnh cấm hoặc hạn chế nhập cảnh, vì chưa có bằng chứng khoa học để minh chứng thêm.