Một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm nghiêm trọng đã diễn ra trên thế giới từ cuối năm 2021, khiến hàng chục nghìn con gia cầm bị tiêu hủy. Ảnh: AFP |
AFP đưa tin, cuối ngày 28/2, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Campuchia thông báo trường hợp người cha 49 tuổi mắc cúm gia cầm H5N1 trong vụ việc trên đã bình phục và được xuất viện. Người đàn ông này trước đó đã dương tính với virus cúm, nhưng không có triệu chứng.
“Kết quả điều tra cho thấy hai cha con đã bị nhiễm virus cúm gia cầm từ những con chim trong làng. Không có sự lây truyền nào giữa người cha và con gái”, CDC Campuchia cho biết.
Khu chợ bán gà ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP |
Tuần trước, giới chức Campuchia thông báo về việc tiến hành xét nghiệm cúm gia cầm H5N1 cho ít nhất 12 người, sau khi một bé gái 11 tuổi tử vong vì loại virus này. Đây là trường hợp virus cúm lây truyền sang người đầu tiên ở quốc gia này sau gần một thập kỷ.
Vụ việc khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại về khả năng virus cúm gia cầm H5N1 có thể lây truyền từ người sang người.
Tình hình này cũng dấy lên lo ngại rằng dịch cúm được gây ra bởi một chủng H5N1 mới, nhánh 2.3.4.4b – từng xuất hiện vào năm 2020 và đã gây ra số ca tử vong kỷ lục ở các loài chim hoang dã và gia cầm nuôi.
Tuy nhiên, CDC Mỹ ngày 26/2 cho biết việc giải trình tự gene sơ bộ được thực hiện ở Campuchia đã giúp Bộ Y tế nước này xác định rằng virus cúm gia cầm này là nhánh 2.3.2.1c của H5N1. Loại virus này là biến thể đặc hữu, đã lưu hành tại Campuchia trong nhiều năm ở các loài chim và gia cầm, thỉnh thoảng lây sang người.
Con người hiếm khi mắc cúm gia cầm, nhưng khi mắc bệnh thường là do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị nhiễm bệnh. Theo WHO, trong hai thập kỷ qua, đã có gần 900 trường hợp mắc H5N1 được xác nhận ở người và hơn 450 trường hợp tử vong