Canada đẩy mạnh đầu tư vào trí tuệ nhân tạo

AI. canada
11:08 - 08/04/2024
Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu trong buổi họp báo ngày 7/4 về đổi mới để tăng trưởng kinh tế trước ngân sách liên bang năm 2024, tại Montreal. Ảnh: Theo CityNews Toronto.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu trong buổi họp báo ngày 7/4 về đổi mới để tăng trưởng kinh tế trước ngân sách liên bang năm 2024, tại Montreal. Ảnh: Theo CityNews Toronto.
0:00 / 0:00
0:00
Trong thông báo ngày 7/4, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, chính phủ nước này sẽ chi 1,8 tỷ USD trong dự thảo ngân sách năm 2024 để phát triển năng lực quốc gia về trí tuệ nhân tạo.

Theo CityNews Toronto, khoảng 1,5 tỷ USD trong số tiền đầu tư trên sẽ dành cho cơ sở hạ tầng công nghệ và điện toán phục vụ các nhà nghiên cứu, công ty lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Canada.

Số tiền còn lại sẽ được đầu tư vào những lĩnh vực khác của công nghệ trí tuệ nhân tạo, trong đó khoảng 147 triệu USD sẽ được phân bổ thông qua các cơ quan phát triển trong khu vực để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này và hơn 36 triệu USD là để hỗ trợ những người lao động chịu ảnh hưởng do việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Thủ tướng Justin Trudeau cho biết: "Đây là một khoản đầu tư lớn cho tương lai của đất nước, tương lai của người lao động nhằm đảm bảo rằng mọi ngành công nghiệp và mọi thế hệ đều có được các công cụ tiên tiến để đạt được sự thịnh vượng trong nền kinh tế".

Cùng với đó, Chính phủ Canada đang lên kế hoạch đầu tư khoảng 37 triệu USD để thành lập Viện an toàn trí tuệ nhân tạo nhằm ứng phó với những hệ thống trí tuệ nhân tạo bất chính và dành hơn 3,6 triệu USD để triển khai Đạo luật dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Dự kiến, dự thảo ngân sách năm nay sẽ được Chính phủ Canada công bố vào ngày 16/4 tới.

Giới chuyên gia cho rằng, sự ra đời của ChatGPT, một chatbot AI do OpenAI phát triển và ra mắt vào tháng 11/2022, đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua công nghệ giữa các công ty công nghệ để tung ra những công cụ trí tuệ nhân tạo tạo sinh tương tự. Hầu hết mọi tổ chức, doanh nghiệp đều muốn đầu tư và triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo vào hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện sản phẩm và dịch vụ của họ.

Bà Frances Karamouzis, Phó Chủ tịch bộ phận phân tích của Gartner nhận định, cơn sốt trí tuệ nhân tạo dường như không có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là khi các tổ chức đang tìm cách đầu tư vào những giải pháp AI đột phá để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn của công nghệ mới nổi này.

Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ cũng cảnh báo rằng, các nhà đầu tư hay công ty công nghệ nên cẩn trọng trước những tác động tiềm ẩn khi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

"Khi bắt đầu phát triển và triển khai trí tuệ nhân tạo, các tổ chức sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về độ tin cậy, rủi ro, an ninh, quyền riêng tư và đạo đức," chuyên gia Frances Karamouzis chia sẻ.

Chính phủ nhiều nước đã yêu cầu các tổ chức, công ty áp dụng phương pháp đảm bảo tính đạo đức khi triển khai các giải pháp trí tuệ nhân tạo. Mới đây, Nhà Trắng đã yêu cầu các công ty công nghệ hàng đầu như Microsoft và Google phải có trách nhiệm pháp lý để đảm bảo an toàn cho các sản phẩm trí tuệ nhân tạo của họ trước khi ra mắt công chúng, cũng như trong công cuộc bảo vệ xã hội trước những mối nguy hại tiềm tàng mà trí tuệ nhân tạo có thể gây ra.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.