Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội công bố sáng 29/5 của Tổng cục Thống kê (GSO), vụ lúa đông xuân năm 2024 cả nước gieo cấy được 2,95 triệu ha, tăng 900 ha so với vụ đông xuân năm trước.
Các địa phương phía Bắc gieo cấy 1,05 triệu ha, giảm 8.500 ha, chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp như xây dựng cụm công nghiệp, xây dựng đường cao tốc hoặc chuyển sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao hơn, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê.
Các địa phương phía Nam gieo cấy 1,89 triệu ha, tăng 9.400 ha so với vụ đông xuân năm trước. Trong đó, vùng ĐBSCL đạt 1,48 triệu ha, tăng 9.000 ha, chủ yếu do giá lúa ở mức cao nên người dân chuyển từ diện tích lúa thu đông sang trồng lúa đông xuân sớm và đông xuân muộn.
Tính đến ngày 15/5/2024, các địa phương phía Nam đã cơ bản thu hoạch xong lúa đông xuân với diện tích đạt 1,88 triệu ha ha, chiếm 99,5% diện tích gieo cấy và bằng 100,5% cùng kỳ năm trước (YoY). Trong đó, vùng ĐBSCL đạt 1,48 triệu ha, chiếm gần 100% diện tích gieo cấy. Năng suất lúa đông xuân ước đạt 72,3 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước.
Cùng với thu hoạch lúa đông xuân, đến trung tuần tháng 5, các địa phương phía Nam gieo trồng được 1,05 triệu ha lúa hè thu, bằng 96,1% cùng kỳ năm trước, chủ yếu do thời tiết nắng nóng, thiếu nước và mưa đến muộn.
Lúa hè thu đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến chắc xanh, cây lúa sinh trưởng và phát triển khá. Do lúa hè thu sinh trưởng trong điều kiện nắng nóng, nền nhiệt cao có thể thiếu nước ở đầu vụ nên các địa phương đã khuyến cáo nông dân chọn gieo trồng các giống lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng ngắn ngày và tuân thủ nghiêm ngặt lịch xuống giống, quản lý tốt nguồn nước để hạn chế ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn.
Về cây hàng năm, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Trong đó, diện tích một số cây như ngô, đậu tương, lạc tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao.
Về chăn nuôi, chăn nuôi trâu, bò trong tháng có xu hướng giảm do chăn nuôi trâu, bò lấy thịt có hiệu quả kinh tế không cao nên người dân chuyển sang các vật nuôi khác. Tuy nhiên, đàn bò sữa vẫn phát triển ổn định.
Đàn lợn có xu hướng tăng mạnh trở lại do chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp; chăn nuôi trang trại theo chuỗi kết hợp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Đồng thời, công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh tốt, giá thịt lợn hơi tăng so với cùng kỳ năm trước nên người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn. Tính đến ngày 24/5, giá thịt lợn hơi cả nước dao động trong khoảng 64.000 - 68.000 đồng/kg, tăng 13.000 - 14.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển do chi phí đầu vào thấp, có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn cùng với nhu cầu tiêu dùng ổn định và tăng mạnh vào các dịp nghỉ lễ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tính đến ngày 22/5, cả nước không còn dịch tai xanh và dịch cúm gia cầm; dịch lở mồm long móng còn ở Gia Lai; dịch viêm da nổi cục còn ở Quảng Bình, Quảng Ngãi, Lâm Đồng và dịch tả lợn châu Phi còn ở 21 địa phương chưa qua 21 ngày.
Chăn nuôi gia cầm trong tháng 5 tiếp tục phát triển. |
Về lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 5/2024 ước đạt 30.300 ha, tăng 8,6% YoY do thời tiết thuận lợi. Sản lượng gỗ khai thác đạt 2,26 triệu m3, tăng 9,2% do giá gỗ nguyên liệu có xu hướng tăng, người dân đẩy mạnh khai thác gỗ đến tuổi thu hoạch.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 98.200 ha, tăng 1,3% so với cùng kỳ; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 37,8 triệu cây, tăng 1,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 7,41 triệu m3, tăng 6,6%.
Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng là 204,9 ha, giảm 38,6% YoY. Trong đó, rừng bị chặt, phá là 74,3 ha, tăng 43,9%; diện tích rừng bị cháy là 130,6 ha, giảm 35,1%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam có 652,2 ha rừng bị thiệt hại, giảm 24,8% YoY, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 376,2 ha, giảm 24,9%; diện tích rừng bị cháy là 285,1 ha, giảm 24,8%.
Về thủy sản, sản lượng thủy sản tháng 5/2024 ước đạt 801.300 tấn, tăng 2,8% YoY. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước đạt 366.500 tấn, tăng 1,9% YoY do thời tiết ngư trường thuận lợi.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng 5 ước đạt 434.800 tấn, tăng 3,5% YoY, bao gồm 288.100 tấn cá, tăng 2,4%; tôm đạt 97.100 tấn, tăng 6,2%.
Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 155.000 tấn, tăng 6,5% YoY. Mức tăng này chủ yếu do giá cá tra nguyên liệu duy trì ở mức cao ổn định và xuất khẩu cá tra đang có dấu hiệu phục hồi. Tính đến trung tuần tháng 5/2024, cá tra nguyên liệu tại vùng ĐBSCL dao động từ 27.500 - 28.000 đồng/kg. Hộ nuôi cá và doanh nghiệp điều chỉnh sản lượng nuôi phù hợp để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Sản lượng tôm trong tháng tăng so với cùng kỳ do áp dụng mô hình nuôi tôm chất lượng cao hiệu quả. Cụ thể, sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 68.000 tấn, tăng 8,1% YoY; sản lượng tôm sú ước đạt 23.000 tấn, tăng 3,1%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 3,51 triệu tấn, tăng 2,6% YoY, bao gồm 2,57 triệu tấn cá, tăng 2,4% YoY; 408.500 tấn tôm, tăng 4,3% và thủy sản khác với 536.600 tấn, tăng 2,2%.