Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk trả lời câu hỏi của cổ đông. |
Mặc dù có phần “lặng lẽ” trên sàn chứng khoán nhưng CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) vẫn thu hút sự quan tâm của rất nhiều cổ đông, bởi là doanh nghiệp sản xuất được coi là “làm thật ăn thật” và luôn duy trì chế độ cổ tức tốt.
Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức chiều 25/4, có tới hơn 1.200 cổ đông của VNM tham dự qua hình thức trực tuyến. Ban lãnh đạo cũng nhận được rất nhiều câu hỏi từ cổ đông, thể hiện sự quan tâm về định hướng, kế hoạch kinh doanh của công ty với mong muốn đồng hành lâu dài. Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc VNM thay mặt ban lãnh đạo trả lời tất cả các câu hỏi. Mekong ASEAN tóm lược một số câu hỏi quan trọng.
Vinamilk đã đưa ra thị trường một số sản phẩm chất lượng, giá cao như sữa tươi organic. Mức độ tiếp nhận của thị trường đối với dòng sản phẩm cao cấp này như thế nào?
Dòng sản phẩm organic, Vinamilk đã ra mắt được khoảng 3-4 năm. Đây là sản phẩm cao cấp, đáp ứng theo tiêu chuẩn thế giới cao nhất từ chăn nuôi cho tới khi ra sản phẩm. Do đó, giá thành cao. Với mức sống của người Việt Nam hiện nay, vẫn có một bộ phận người tiêu dùng chấp nhận được các sản phẩm này, vì vậy Vinamilk vẫn tiếp tục duy trì dù tốc độ tăng trưởng không cao. Hi vọng thời gian tới sức mua tăng, dòng sản phẩm này sẽ tiêu thụ mạnh hơn.
Công ty có tiếp tục dự án nhà máy sữa Hưng Yên?
Vinamilk vẫn tiếp tục triển khai. Chúng tôi đã hoàn thành xong phần san lấp mặt bằng. Vừa qua công ty đăng ký lại quyền sử dụng đất để chuyển giấy phép từ 20 năm lên 50 năm, do đó mất mấy tháng để chuyển lại giấy phép đầu tư. Trong tháng 6, 7 tới, chúng tôi sẽ khởi công.
Chiến lược những năm tới để phát triển thị trường Trung Đông và Trung Quốc?
Việc phát triển thị trường Trung Đông và Trung Quốc nằm trong chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu của Vinamilk nhiều năm nay. Tới nay, Vinamilk đã xuất khẩu ra hơn 60 nước.
Đối với Trung Quốc, Vinamilk mới bước vào thị trường này nhưng hi vọng sẽ đạt kết quả tốt khi đưa tới các sản phẩm tương đối độc đáo.
Ở Trung Đông thì có nhiều nước Vinamilk xuất khẩu. Sản phẩm sữa bột trẻ em xuất được nhiều nước so với một, hai thị trường ban đầu. Chiến lược của Vinamilk là đi song song, vừa nội địa vừa xuất khẩu, “đi hai chân”. Hết 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Vinamilk đã tăng trưởng 14%.
Tiến độ các dự án trọng điểm?
Tới quý 4 năm nay thì nhà máy, trang trại của Vinabeef sẽ đi vào hoạt động và sản phẩm sẽ được đưa ra thị trường. Còn dự án Thiên đường Sữa Mộc Châu thì chậm hơn vì liên quan tới vấn đề đất đai. Về nguồn lực tài chính và con người, Vinamilk đã sẵn sàng hết rồi.
Nhà máy sữa Hưng Yên thì đã đề cập ở trên.
ĐHĐCĐ Vinamilk diễn ra theo hình thức trực tuyến. |
Tự tin lợi nhuận tăng trưởng sau tái định vị thương hiệu
Hai công ty trong ngành là IDP và Mộc Châu Milk vẫn tăng trưởng doanh thu nội địa, trong khi Vinamilk gần như đi ngang năm 2023. Liệu có phải đang có một xu hướng chuyển đổi sữa?
Vinamilk sở hữu tất cả các sản phẩm của ngành hàng sữa, trong khi đối thủ chỉ có vài sản phẩm. Thị trường sữa có những năm tăng trưởng mặt hàng này nhưng lại giảm mặt hàng khác.
Lý do năm 2023 doanh thu đi ngang chủ yếu ở sản phẩm sữa bột trẻ em. Tỷ lệ sinh của Việt Nam giảm hai năm nay. Bên cạnh đó, với chính sách bảo vệ phụ nữ, họ được nghỉ sinh 6 tháng thay vì 2 hoặc 4 tháng như ngày trước nên sử dụng sữa mẹ nhiều hơn. Do đó, nhu cầu sử dụng sữa bột giảm hẳn. Thị trường sữa bột ở Việt Nam năm 2023 suy giảm 20%, trong khi Vinamilk giảm 10%.
Kết quả chiến lược tái định vị thương hiệu?
Trước tiên, Vinamilk tập trung tái định vị vào ngành hàng sữa nước, bắt đầu thay đổi bao bì phổ biến từ cuối quý 3 và đầu quý 4 năm 2023, sau khi sử dụng hết bao bì cũ. Thị phần ngành hàng sữa nước sau 5 tháng tái định vị đã tăng 2,8%.
Trong quý 2/2024, công ty sẽ thay đổi toàn bộ nhận diện ngành hàng sữa chua (gồm loại ăn và uống) và chuẩn bị quý 3 sẽ tái định vị sản phẩm sữa bột trẻ em. Việc tái định vị không chỉ là thay bao bì mà Vinamilk còn xác định nên duy trì dòng sản phẩm nào, nên gộp sản phẩm nào với nhau, giảm bớt danh mục để tập trung bán hàng và tập trung vào các đối tượng hiệu quả.
Vinamilk có chiến lược tái cấu trúc 5 năm, tập trung chuyển đổi số tất cả các lĩnh vực từ sản xuất, cung ứng, chăn nuôi, bán hàng, marketing, kế toán - quản trị, nhân sự... Những cái chúng ta làm được sẽ thể hiện trong hai năm đầu tiên. Công ty sẽ cố gắng hoàn tất tái định vị trong năm 2024. Về doanh số có thể còn suy nghĩ nhưng lợi nhuận tự tin sẽ tăng trưởng.
Công ty có kế hoạch cải thiện nguồn nguyên liệu nhập khẩu để cải thiện giá thành hay không?
Vinamilk từ năm 1990 đã thực hiện cuộc "cách mạng trắng" là chăn nuôi bò sữa để giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ. Việc này vẫn tiếp diễn cho tới bây giờ và các năm tiếp theo. Từ vài ngàn tấn trong một năm thì hiện giờ Vinamilk cùng Mộc Châu Milk đã cung cấp hơn 1 triệu lít/ngày tức 360.000 tấn. Do đó, đã thay thế một lượng lớn sữa bột nhập khẩu.
Cam kết duy trì chính sách cổ tức tiền mặt
Kết quả kinh doanh quý 1/2024?
Quý/2024, tổng doanh thu hợp nhất tăng 1,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế tăng 17% và lợi nhuận sau thuế tăng 15,8%.
Những năm tới công ty có tiếp tục duy trì chính sách cổ tức tiền mặt hay không? Công ty có dự định tăng cổ tức tiền mặt thêm không?
Chúng tôi cam kết duy trì chính sách cổ tức tiền mặt. Công ty đã cân đối giữa đầu tư phát triển và cổ tức để đảm bảo quyền lợi của cổ đông.
Về tăng tỷ lệ cổ tức, tôi nghĩ không tăng được thêm. Tỷ lệ cổ tức mấy năm nay đều cao, chiếm 91% lợi nhuận sau thuế. Lợi nhuận sau thuế làm được thì chia cổ tức hết rồi.
Ban lãnh đạo đánh giá như thế nào về giá cổ phiếu VNM hiện tại và vị thế của doanh nghiệp?
Tôi chẳng bao giờ để ý giá cổ phiếu. Tôi có quá nhiều việc nên không có thời gian để ý giá cổ phiếu lên hay xuống. Giá cổ phiếu ở thị trường Việt Nam có nhiều tác động. Vinamilk chỉ cố gắng sản xuất kinh doanh tốt, đảm bảo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và cổ tức. Việc thị trường kỳ vọng ra sao nằm ngoài tầm kiểm soát của lãnh đạo Vinamilk.