Chậm nộp báo cáo, cổ phiếu POM của Thép Pomina bị đưa vào diện kiểm soát

POM Thép Pomina
12:05 - 06/10/2023
Chậm nộp báo cáo, cổ phiếu POM của Thép Pomina bị đưa vào diện kiểm soát
0:00 / 0:00
0:00
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố thông tin về việc chuyển cổ phiếu POM của CTCP Thép Pomina từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ 10/10.

Nguyên nhân là do công ty đã chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 quá 30 ngày so với thời hạn quy định, theo điểm g, khoản 1, Điều 38 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết, ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu POM đồng thời được theo dõi ở diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 là -444,68 tỷ đồng và do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán quá 15 ngày so với quy định.

Ngoài ra, từ tháng 4/2023, cổ phiếu đã được theo dõi ở diện kiểm soát do liên tiếp 2 năm vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán.

Trước đó, ngày 25/9, Thép Pomina đã có văn bản giải trình và nêu phương án khắc phục việc chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023. Tại văn bản này, Pomina cho biết, công ty đang thu thập và cung cấp cho tư vấn khảo sát, đánh giá về công ty Pomina để thương thảo giá với nhà đầu tư chiến lược, dẫn đến chậm số liệu cho báo cáo tài chính 6 tháng.

Công ty khẳng định sẽ tích cực làm việc với phía kiểm toán về cung cấp số liệu để có báo cáo tài chính sớm nhất nhằm đưa chứng khoán ra khỏi diện cảnh báo. Đồng thời, cam kết sẽ công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 trong thời gian sớm nhất có thể.

Kết phiên sáng 6/10, cổ phiếu giảm 4,02% và giao dịch ở mức 5.250 đồng/cp, tương đương vốn hóa hơn 1.468 tỷ đồng. Ảnh: TradingView

Kết phiên sáng 6/10, cổ phiếu giảm 4,02% và giao dịch ở mức 5.250 đồng/cp, tương đương vốn hóa hơn 1.468 tỷ đồng. Ảnh: TradingView

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu POM tiếp tục chứng kiến những đợt giảm sâu, sau khi tăng trần 3 phiên liên tiếp (14, 15, 18/7), ngay sau khi công bố thông tin về việc Pomina phát hành hơn 70 triệu cổ phiếu đơn lẻ cho nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản.

Kết phiên sáng 6/10, cổ phiếu giảm 4,02% và giao dịch ở mức 5.250 đồng/cp, tương đương vốn hóa hơn 1.468 tỷ đồng.

Lỗ 537 tỷ đồng trong nửa đầu năm, vay nợ gấp 3 lần vốn chủ sở hữu

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 2 tự lập, tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2023 của Pomina cũng không khả quan.

Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm của Pomina đạt 2.444 tỷ đồng giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn, kèm theo các loại chi phí tăng cao đã đè bẹp lợi nhuận của Pomina khiến công ty lỗ ròng lên tới 537 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Lỗ lũy kế tới ngày 30/6 của công ty đã lên tới hơn 789 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên hôm 14/7, Thép Pomina đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu thuần 9,000 tỷ đồng và lỗ sau thuế 150 tỷ đồng. Đến hết quý 2, công ty mới hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu và lỗ sâu hơn gần 400 tỷ đồng so với mục tiêu đề ra.

Trên bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 30/6, vay và nợ thuê tài chính của Pomina đã gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu và chiếm tới 72% tổng nợ phải trả và 58% tổng nguồn vốn của công ty.

Cụ thể, công ty ghi nhận khoản vay và nợ thuê tài chính đạt 6.267 tỷ đồng, gồm 5.201 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, giảm 5%; và 1.066 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn, tăng 44% so với đầu kỳ. Trong đó, hầu hết là các khoản vay từ ngân hàng.

Kết quả kinh doanh không khả quan của Thép Pomina một phần đến từ sức cầu yếu của thị trường do bất động sản chưa có sự khởi sắc rõ rệt. Tại ĐHĐCĐ thường niên Chủ tịch HĐQT Thép Pomina Đỗ Duy Thái cũng chia sẻ sự thận trọng của HĐQT trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.

Do đó, HĐQT đã điều chỉnh kế hoạch cho năm 2023 giảm sâu so với trước đó, đặc biệt là mục tiêu lợi nhuận sau thuế chuyển từ lãi 300 tỷ đồng sang lỗ 150 tỷ đồng.

Ông Thái cho rằng, thị trường bất động sản có thể vẫn bất động trong năm nay và có thể phải đến tháng 6/2024 mới bắt đầu khởi sắc. Dù Chính phủ đã có rất nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các công ty bất động sản, nhưng để chính sách ngấm vào nền kinh tế cần có thời gian.

Tin liên quan

Đọc tiếp