Giao dịch được thực hiện từ ngày 10/1 đến 12/1, theo phương thức thỏa thuận, qua đó giảm sở hữu tại Chứng khoán APG từ hơn 24,05 triệu cổ phiếu xuống còn 10,05 triệu cổ phiếu tương đương 6,87% vốn điều lệ của công ty.
Dữ liệu thống kê cho thấy, tổng số cổ phiếu APG giao dịch thỏa thuận trong 3 ngày này là 14 triệu đơn vị, tương đương 86,8 tỷ đồng. Như vậy đây cũng là số tiền mà vị lãnh đạo APG thu về cho số cổ phiếu nói trên.
Động thái bán ra lượng lớn cổ phiếu của Chủ tịch APG diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu này đang có nhịp hồi ấn tượng kể từ khi chạm đáy 5 năm phiên 15/11 vừa qua. Chốt phiên 13/1, APG giảm 0,7% về còn 5.830 đồng/CP, tăng 131% so với đáy, tuy nhiên vẫn giảm 71% so với đỉnh hồi đầu năm 2022.
Về hoạt động của doanh nghiệp, hồi đầu tháng 12, Chứng khoán APG đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt phạt hành chính vì vi phạm hàng loạt lỗi chứng khoán với tổng mức phạt tiền là 985 triệu đồng. Trong đó, khoản phạt nặng nhất là 350 triệu đồng, do công ty sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng không đúng với phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua cuối năm 2021.
Về hoạt động kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu hoạt động của APG đạt 181,23 tỷ đồng, tăng 71,98% so với cùng kỳ năm trước đó; lợi nhuận sau thuế âm 48,35 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 76,7 tỷ đồng. Tính riêng quý III/2022, lợi nhuận APG âm hơn 49 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 44,9 tỷ đồng
Giải trình về chênh lệch lợi nhuận quý III/2022 so với quý III/2021, Chứng khoán APG cho biết chủ yếu là do lỗ bán các tài sản tài chính tăng và chệnh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL quý III/2022 tăng.