Cổ phiếu bất động sản đua nhau tăng, DGC 'chạy' đón đầu giá phốt pho

DIG DGC
16:18 - 13/07/2023
Giao dịch sàn HoSE phiên 13/7.
Giao dịch sàn HoSE phiên 13/7.
0:00 / 0:00
0:00
Dòng tiền ưu ái chảy vào nhóm bất động sản đã giúp VN-Index có phiên “thăng hoa” vượt mốc 1.165 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 9/2022.

Kết phiên 13/7, VN-Index tăng hơn 11 điểm lên mốc 1.165,42 điểm. HNX-Index và UPCoM cũng kết phiên trong sắc xanh. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 19.000 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 2.000 tỷ đồng và đảo chiều mua ròng 234 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Khối ngoại đổ tiền mua mạnh các mã bluechip, với MSN được mua ròng mạnh nhất 104 tỷ đồng, VNM, VHM, VCB, MWG, SSI được mua ròng từ 40 – 70 tỷ đồng. Ngược lại, hai mã bị bán ròng mạnh nhất là DGC và VPB (hơn 50 tỷ đồng). EIB, VRE, POW, BID cũng được mua ròng hơn 20 tỷ đồng.

Dòng tiền mua lấn át giúp thị trường hôm nay tràn ngập trong sắc xanh. Hơn 550 mã ở chiều tăng trong khi chiều giảm chỉ có gần 250 mã. Trong nhóm VN30 chỉ có 2 mã giảm là PLX với mức điều chỉnh nhẹ. VHM có đóng góp lớn nhất khi tăng 2,2%. Còn tăng mạnh nhất là GAS và MSN với tỷ lệ 2,9%. NVL cũng tăng 2,4%.

Xét về nhóm ngành thì bất động sản chính là tâm điểm mua của dòng tiền. Ngoài VHM và NVL, các mã lớn như VIC, BCM, VRE, KBC, PDR đều tăng giá, tuy nhiên tỷ lệ điều chỉnh không lớn. Giao dịch sôi động ở DIG với gần 36 triệu đơn vị được trao tay, DXG 26,7 triệu đơn vị, CEO 18,2 triệu đơn vị. Ba mã này đều tăng trên dưới 4%.

Trong cuộc họp thường kỳ tháng 7 triển khai công tác sản xuất kinh doanh ngày 10/7, ban lãnh đạo DIG (DIC Group) đặt mục tiêu doanh thu bán lẻ đạt 1.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2023. Năm nay, công ty lên kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.400 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến 8-15% và vốn điều lệ 6.500-7.000 tỷ đồng.

Hai mã tăng trần trong nhóm bất động sản là NLG và HDC. IJC, CKG, TIG, LDG, SGR, CRE, HDG, TDC, NDN… cũng có mức tăng tốt.

Sự tích cực của nhóm bất động sản còn lan tỏa sang nhóm xây dựng, với DPG, HTN, HUB, DC4, VE4 tăng trần. PC1 tăng 3,7%; LCG, FCN, HBC tăng hơn 2%. REE, THD, VCG, HUT, SCG, CII… cũng đều ở chiều tăng giá.

Sắc xanh cũng áp đảo trong nhóm chứng khoán. VND tăng 2%, SSI tăng 1,6%, VIX tăng 3,1%, HCM tăng 1,7%, MBS tăng 1%, SHS tăng 1,4%... Tăng mạnh nhất là HAC với 11,6%, APS, HBS hơn 3%.

Nhóm ngân hàng cũng cùng xu hướng tăng nhưng kém sắc hơn với nhiều mã đứng tham chiếu. EIB, KLB, NVB giảm giá. Các mã lớn như BID, HDB, MBB, TCB, TPB, VCB, VIB tăng nhẹ chưa đến 1%.

Tại các nhóm ngành khác, đáng chú ý có GEX tăng 4,7% lên mức giá 20.200 đồng, khớp lệnh 38 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn thị trường. Từ đầu tháng 7 đến nay, cổ phiếu của Tập đoàn Gelex có diễn biến tích cực.

DGC của Hóa chất Đức Giang cũng có phiên tăng mạnh 5,2%, lên mức giá 71.200 đồng. Từ cuối tháng 5 đến nay, mã này đã tăng tới 42%, về vùng giá cao nhất kể từ tháng 10/2022.

Cổ phiếu DGC “chạy” cùng nhu cầu sử dụng phốt pho vàng đang có dấu hiệu phục hồi. Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán DSC nhận định giá phốt pho trên thị trường quốc tế có thể sẽ phục hồi ngay trong mùa hè này khi nguồn cung từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc suy giảm trong khi nhu cầu về các chất bán dẫn, vi mạch điện tử đang tăng lên.

Phốt pho vàng và Acid Photphoric là các nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất vi mạch điện tử, chất bán dẫn. Vào thời điểm quý 4/2022, nhiều nhà sản xuất chip và chất bán dẫn lên kế hoạch giảm sản lượng do e ngại về lượng tồn kho lớn do dư cung. Đây là một trong yếu tố khiến phốt pho giảm giá trong giai đoạn cuối năm 2022 đến nay.

Tuy nhiên nhu cầu sử dụng phốt pho vàng đang có dấu hiệu phục hồi khi thế giới chứng kiến làn sóng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, kéo theo đó là nhu cầu sản xuất, sử dụng chất bán dẫn tăng lên.

DGC hiện là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu phốt pho vàng lớn nhất Việt Nam và thuộc nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này lớn nhất khu vực châu Á với tổng công suất sản xuất trên 60.000 tấn/năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.