Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính diễn biến tích cực trong phiên 9/8. |
Kết phiên 9/8, VN-Index tăng hơn 15 điểm lên mốc 1.223,64 điểm; HNX-Index tăng gần 3 điểm còn UPCoM tăng 0,68 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên kênh khớp lệnh đạt gần 15.000 tỷ đồng, trong đó khối ngoại chiếm hơn 3.500 tỷ đồng và mua ròng nhẹ 58 tỷ đồng trên sàn HoSE.
FPT và MWG là hai mã được mua ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt đạt 159 tỷ đồng và 145 tỷ đồng. CTG cũng được mua ròng 123 tỷ đồng, kế đến là VCI 60 tỷ đồng, VNM 49 tỷ đồng, SSI 42 tỷ đồng; DGW, DGC, MSN trên 30 tỷ đồng…
Ngược lại, VJC bị bán ròng mạnh nhất hơn 400 tỷ đồng. Phiên hôm qua, cổ phiếu của Vietjet Air cũng bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 334 tỷ đồng. Danh sách bán ròng hôm nay còn có TCB 100 tỷ đồng; VCB, STB trên 30 tỷ đồng; VHM, VPB, VIC, FRT trên 20 tỷ đồng…
VN-Index tăng điểm nhờ sự tích cực của các cổ phiếu bluechip. Chỉ số VN30 tăng gần 22 điểm lên mốc 1.264,84 điểm. Các mã có đóng góp lớn là CTG +4,2%, FPT +4,5%, MWG +5,1%, SSI +4,3%, HDB +2,2%, STB +2,1%...
Với mức tăng mạnh trên, MWG trở lại vùng giá 65.600 đồng/cp. Thanh khoản của mã trong phiên hôm nay cũng đột biến hơn so với mức trung bình thời gian qua, khớp lệnh 17,5 triệu đơn vị.
Chiều giảm trong nhóm bluechip chỉ có GAS và bộ ba cổ phiếu nhóm Vingroup, với VIC giảm sâu nhất 1,4%.
Xét về nhóm ngành thì nhóm chứng khoán có diễn biến tích cực nhất. Ngoài SSI, VND cũng tăng hơn 3%, VCI tăng 4,5%, HCM tăng 4,7%, SHS tăng 4,8%, FTS tăng trần, MBS tăng 4,3%, BSI tăng 6%, APG tăng 5,8%, BVS tăng 4,9%, AGR tăng 4,5%... APS và TCI đứng tham chiếu, các mã còn lại đều tăng giá.
Nhóm ngân hàng cũng không có mã nào ở chiều giảm. ABB, BAB, EIB, KLB, NVB, SGB, VBB đứng tham chiếu. Chiều tăng, đóng góp tích cực nhất chính là ba mã bluechip CTG, HDB, STB như đã kể ở trên. Ngoài ra tăng đáng kể còn có NAB +3,1%, MBB +1,7%, ACB +1,5%, BID +1,5%, MSB +1,4%...
BSC dự báo 3 kịch bản cho VN-Index sau nhịp điều chỉnh Theo đơn vị phân tích, nhịp điều chỉnh khiến P/E VN-Index trở về vùng định giá hấp dẫn hơn, mở ra cơ hội tích lũy cổ phiếu cho hoạt động đầu tư trung hạn. |
Nhóm bất động sản ghi nhận đa số các mã kết phiên trong sắc xanh nhưng do đà kéo của ba cổ phiếu nhóm Vingroup nên vốn hóa toàn nhóm vẫn giảm. Các mã tăng đáng kể là KBC +3,5%, NLG +2,4%, PDR +2,3%, DXG +2,3%, HDG +2,3%, NTL +3,1%, BCR +5,7%, NDN +3,4%, VRC +6,2%... KDH, DIG, VPI, IDC tăng hơn 1%; BCM, NVL, CEO, TCH đứng tham chiếu. Trong đó, TCH ghi nhận khối lượng khớp lệnh đột biến, lên tới hơn 33,6 triệu đơn vị.
Nhóm thép có HPG +1,8%, HSG +1,2%, NKG +2,2%, TVN +2,2%, VGS +1,9%, GDA +1,8%... SMC tăng trần lên giá 10.700 đồng/cp. POM cũng tăng trần 12,5% lên mức giá 1.700 đồng/cp. Cổ phiếu diễn biến tích cực sau khi Thép Pomina công bố đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Công ty Thép Nansei - một tập đoàn lớn và uy tín đến từ Nhật Bản vào cuối tháng 7/2024.
Tại các nhóm ngành khác, đa số cổ phiếu đều tăng giá. Một số mã có hiệu suất vượt trội như ACV +6,8%, VTO +4,8%, CTR +4,2%, TAR +5,5%, GKM +7,2%, BFC +5,1%, VGC 4,1%... Ngược lại, HVN giảm sâu 4,5%, lùi về vùng giá 19.050 đồng/cp, giảm 47% so với hồi đầu tháng 7/2024. Bộ đôi HAG và HNG của nhóm nông nghiệp cũng giảm gần 3%.