Cổ phiếu 'họ FLC': Mã hủy niêm yết, mã cắt margin

Cổ Phiếu flc
10:00 - 31/08/2022
Cổ phiếu 'họ FLC': Mã hủy niêm yết, mã cắt margin
0:00 / 0:00
0:00
Sau những sự việc liên quan đến nhân sự, hầu hết các cổ phiếu "họ FLC" đã lao dốc thị giá từ vài chục ngàn đến gần 200.000 đồng về ngưỡng giá "trà đá" dưới 3.000 - 5.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí còn liên tục đối diện với bản án cắt margin, hủy niêm yết. 

ROS bị hủy niêm yết, chưa được giao dịch cổ phiếu trên UPCoM

Chiều 25/8, HoSE đã có quyết định hủy niêm yết bắt buộc toàn bộ hơn 567,58 triệu cổ phiếu ROS của FLC Faros, áp dụng từ ngày 5/9.

Lý do được HoSE đưa ra là FLC Faros đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin mà Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Ngày 30/8, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có thông báo về việc thực hiện chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký cổ phiếu ROS của FLC Faros từ sàn HoSE sang UPCoM. Nhiều nhà đầu tư cho rằng với quyết định này cổ phiếu ROS sau khi bị hủy niêm yết trên HoSE vẫn có thể giao dịch trên UPCoM với biên độ dao động 15%/phiên.

Tuy nhiên, cũng cùng ngày 30/8, đại diện HNX cho biết việc VSD chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký cổ phiếu ROS từ sàn HoSE sang UPCoM chỉ là xử lý kỹ thuật trên hệ thống đối với cổ phiếu bị hủy niêm yết.

Cụ thể, theo quy định, công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc hoặc hủy bỏ tự nguyện nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.

Tuy nhiên, với trường hợp của FLC Faros, đại diện HNX cho hay theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, việc nâng khống vốn điều lệ của công ty từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng thuộc hành vi bị cấm theo quy định và đang trong quá trình điều tra. Do đó, HNX chưa có cơ sở để xác định số vốn điều lệ của công ty này là hợp lệ cũng như tính đại chúng của FLC Faros cùng số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch.

"Việc xem xét hồ sơ đăng ký giao dịch của ROS trên UPCoM sẽ được thực hiện sau khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng và hướng dẫn của cơ quan quản lý", đại diện HNX nhấn mạnh.

Đáng chú ý, ROS giao dịch trên sàn HoSE từ ngày 1/9/2016 với mức giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu. Sau đó không lâu, mã này đã trở thành một hiện tượng trên sàn khi nhanh chóng tạo hình biểu đồ dựng đứng. Cuối năm 2017, giá cổ phiếu ROS đạt đỉnh 214.000 đồng/cổ phiếu, kéo theo vốn hóa thị trường FLC Faros tăng lên 101.200 tỷ đồng.

Nhưng thời kỳ đỉnh cao cũng không giữ được lâu, sang năm 2018, ROS liên tục lao dốc từ mức 178.000 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 36.150 đồng. Sang năm 2019-2020, ROS vẫn tiếp tục dò đáy với một giai đoạn năm 2020 chỉ giao dịch ở mức 2.000 đồng.

Sang năm 2021, cổ phiếu này mới bật tăng trở lại và từng leo lên vùng 16.000 đồng vào đầu năm 2022. Sau vụ việc thao túng chứng khoán của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị phanh phui, cùng với nhóm cổ phiếu trong hệ sinh thái FLC, ROS cũng bị bán tháo.

Kết phiên 11/8 - tức phiên giao dịch cuối cùng ở HoSE trước khi bị đình chỉ, cổ phiếu ROS dừng ở 2.510 đồng/cp, chỉ bằng 24% giá tham chiếu ngày mới nhập sàn, giá trị vốn hóa tương đương 1.425 tỷ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu ROS của FLC Faros trước khi bị đình chỉ giao dịch và hủy niêm yết bắt buộc. Nguồn: Tradingview.
Diễn biến giá cổ phiếu ROS của FLC Faros trước khi bị đình chỉ giao dịch và hủy niêm yết bắt buộc. Nguồn: Tradingview.

FLC, HAI VÀ ROS có nguy cơ sẽ "gặp nhau" trên sàn UPCom

Sự việc ROS bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE có thể coi như một "phát súng lệnh" về những tín hiệu xấu có thể xảy ra kế tiếp với 2 doanh nghiệp cùng họ khác là FLC (Tập đoàn FLC) và HAI (Nông dược H.A.I) khi đến thời điểm hiện tại, cả 2 doanh nghiệp này đều chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, chưa họp ĐHCĐ thường niên 2022, chưa công bố kết quả kinh doanh các quý đầu năm 2022 cũng như báo cáo tài chính soát xét bán niên năm này.

Ngày 23/8/2022, HOSE đã gửi thông báo về khả năng đình chỉ giao dịch hai cổ phiếu FLC và HAI. Nếu bị đình chỉ và tiếp tục chậm trễ thực hiện nghĩa vụ công bố các thông tin được yêu cầu, viễn cảnh 3 mã cổ phiếu cùng hệ sinh thái FLC sẽ "gặp lại nhau" trên sàn UPCoM trong thời gian sắp tới.

Đóng cửa phiên giao dịch 30/8, cổ phiếu FLC rớt sàn về 4.020 đồng/cổ phiếu, sụt giảm hơn 80% so với đỉnh cao gần 24.000 đồng vào đầu năm nay.

Tương tự, HAI cũng giảm sàn xuống còn 1.800 đồng và mất hơn 80% so với giá sát 10.000 đồng vào đầu năm nay.

Cổ phiếu GAB, ART và KLF bị cắt margin trên HNX từ 31/8

Sóng gió với cổ phiếu "họ FLC" chưa dừng lại ở đó, ngày 24/8 mới đây, HoSE có thông báo số 1546/TB-SGDHCM về việc bổ sung mã chứng khoán GAB của của Công ty cổ phần Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Lý do được HOSE đưa ra là vì Công ty cổ phần Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC chậm công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên năm 2022 đã soát xét quá 05 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.

Với cổ phiếu GAB, tính tới hết quý II/2022, ông Trịnh Văn Quyết đang sở hữu 51,09% vốn của GAB, Chứng khoán BOS nắm 4,93%. Như vậy, tuy ông Quyết không nằm trong ban lãnh đạo nhưng đang là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này.

Đồng thời, kể từ hôm 28/3 (một ngày trước khi ông Trịnh Văn Quyết bị tạm giam) cho đến nay, cổ phiếu GAB liên tiếp không phát sinh giao dịch trên sàn chứng khoán, giá tham chiếu đứng yên ở mốc 196.400 đồng/cp.

Ở một diễn biến khác, ngày 30/8, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo bổ sung thêm 11 mã cổ phiếu vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Đáng nói trong danh sách này, 2 cổ phiếu có khối lượng lưu hành lớn nhất và thanh khoản lớn nhất đều thuộc họ cổ phiếu FLC bao gồm ART (CTCP Chứng khoán BOS) và KLF (CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS).

Với cổ phiếu KLF, báo cáo tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 hồi tháng 6 ghi nhận tổng cộng gần 21.000 cổ đông với hơn 165 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường.

Nhớ lại thời hoàng kim từ tháng 5/2014, cổ phiếu KLF từng là một trong những cổ phiếu đắt đỏ, đại diện góp mặt trong rổ HNX30.

Song, kết thúc phiên giao dịch ngày 30/8, mặc dù tăng hơn 3,8% trong phiên này, cổ phiếu KLF cũng chỉ nhích lên mức 2.700 đồng/cổ phiếu - giảm 75% so với giá hồi đầu tháng 1/2022; khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 4,1 triệu đơn vị.

Với cổ phiếu ART, ghi nhận tại báo cáo phiên họp ĐHCĐ thường niên (lần 2) 2022 hồi cuối tháng 7, doanh nghiệp hiện có hơn 14.500 cổ đông nắm giữ gần 97 triệu cổ phiếu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/8, cổ phiếu ART tăng mạnh hơn 4,6% lên mức 4.500 đồng - giảm khoảng 75% so với giá hồi đầu năm; thanh khoản trung bình 10 phiên gần nhất đạt 2,8 triệu đơn vị.

Kết quả kinh doanh quý II/2022, chỉ 2 doanh nghiệp báo lãi

Tính đến thời điểm này, 5/7 doanh nghiệp thuộc "hệ sinh thái FLC" gồm CTCP Tập đoàn FLC (Mã FLC - HOSE), CTCP Nông dược H.A.I (Mã HAI - HOSE), CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (Mã KLF - HNX), CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã AMD - HOSE) và CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (Mã GAB - HOSE) đã thực hiện công bố báo cáo tài chính quý II và bán niên năm 2022.

Trong khi đó, CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã ROS - HOSE) và CTCP Chứng khoán BOS (Mã ART - HNX) trước đó đều đã có đơn gửi các sở về việc xin tạm hoãn công bố báo cáo tài chính quý này.

Cụ thể, về FLC, trong quý II này, FLC chỉ đạt 576,1 tỷ đồng doanh thu thuần, "bốc hơi" tới 65,6% so với kết quả đạt được ở cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, khoản lỗ trong công ty liên doanh, liên kết của FLC tăng cực mạnh. Nếu cùng kỳ năm ngoái chỉ ghi nhận lỗ 5,7 tỷ đồng thì quý II năm nay, mảng này lỗ đến 317,3 tỷ đồng (tăng tới 56 lần).

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 39,7% và 65,3% lên 46,1 tỷ đồng và 295,1 tỷ đồng.

Doanh thu không đủ bù chi phí khiến FLC bị lỗ thuần 637,5 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vào quý II/2022 (cùng kỳ lãi thuần 41,1 tỷ đồng). Thêm vào đó, lợi nhuận khác cũng chỉ đạt 25,8% mức cùng kỳ, đạt 1,6 tỷ đồng.

Kết quả, quý II năm nay, FLC lỗ trước thuế 635,9 tỷ đồng (so với mức lãi 47,3 tỷ đồng của quý II/2021). Lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp lên 640,2 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 20,9 tỷ đồng), trong đó, lỗ sau thuế thuộc về công ty mẹ là 643,7 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 25,7 tỷ đồng).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, FLC đạt 1.661,2 tỷ đồng doanh thu thuần, chỉ bằng xấp xỉ 40% cùng kỳ và lỗ sau thuế 1.105,7 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 63,5 tỷ đồng).

Trong khi đó, KLF và AMD cũng lần lượt lỗ 17,7 tỷ và 24 tỷ đồng trong quý vừa qua, GAB lãi "còi" 1 tỷ. Ở chiều ngược lại, duy nhất HAI báo lãi khả quan với 17,1 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.