Cổ phiếu nhóm Vingroup đỡ thị trường, HAG tăng trần vượt đỉnh 1 năm

HAG POM
16:07 - 11/12/2023
Cổ phiếu bất động sản giúp thị trường giữ thế cân bằng.
Cổ phiếu bất động sản giúp thị trường giữ thế cân bằng.
0:00 / 0:00
0:00
Trong phiên thị trường rung lắc, 3 cổ phiếu nhóm Vingroup trở thành trụ đỡ để chỉ số không giảm sâu. HAG tăng trần lên vùng giá 13.000 đồng, cao nhất kể từ tháng 9/2022.

Kết phiên 11/12, VN-Index tăng hơn 1 điểm lên mốc 1.125,5 điểm, HNX-Index tăng nhẹ 0,17 điểm còn UPCoM giảm 0,23 điểm. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh đạt hơn 15.000 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 2.600 tỷ đồng và tiếp tục bán ròng hơn 400 tỷ đồng trên sàn HoSE.

VCB bị bán ròng mạnh nhất hơn 140 tỷ đồng, kế đến là chứng chỉ quỹ FUEVFVND 103 tỷ đồng, STB 66 tỷ đồng, VPB 48 tỷ đồng. FRT, VNM, SHB, VGC, DXG, DBC, HPG, LPB bị bán ròng hơn 10 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VND được mua ròng mạnh nhất 44 tỷ đồng, tiếp theo là DGC 27 tỷ đồng. VIC, MSN, NKG, NVL, GMD, KBC cũng được mua ròng hơn 10 tỷ đồng.

Thị trường hôm nay giữ được sắc xanh là nhờ công của 3 mã nhóm Vingroup, với VHM tăng 3,4%, VIC tăng 2,6%, VRE tăng 1,3%. Riêng 3 mã đóng góp hơn 3 điểm cho chiều tăng của chỉ số. Trong rổ VN30 còn có BVH, GVR, MSN, SHB, VNM cũng tăng hơn 1%; BCM, FPT, GAS, SSI tăng nhẹ. Còn lại chiều giảm đáng kể chỉ có BID, STB, VPB giảm hơn 1%.

Với sự tích cực của VIC, VHM và VRE, nhóm bất động sản tăng hơn 1% vốn hóa. Các mã tăng giá đáng kể còn có CEO +2,1%, ITA +4,9%, SZC +1,1%, TIG và NTL +1,6%, SJS +1,6%, IJC +1,5%... Ngược lại vẫn có nhiều mã ở chiều giảm, như PDR và DXG giảm hơn 3%, KDH, DIG và NLG giảm hơn 1%, DXS và CRE giảm hơn 2%, QCG giảm hơn 4%...

Nhóm tăng giá mạnh nhất là nông nghiệp, nhờ sự bứt phá của HAG, tăng trần lên mức giá 13.000 đồng. Đây là vùng giá cao nhất của cổ phiếu HAGL kể từ tháng 9/2022. Chỉ từ đầu tháng 11 trở lại đây, mã đã tăng tới 63%.

HAG thu hút sự quan tâm sau khi HAGL công bố danh sách 3 nhà đầu tư trong đợt chào bán 130 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp. Đó là Chứng khoán LPBank dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu, Tập đoàn Thaigroup dự kiến mua 52 triệu cổ phiếu và nhà đầu tư chuyên nghiệp Nguyễn Đức Quân Tùng đăng ký mua 28 triệu cổ phiếu.

Nhóm thủy sản hôm nay cũng có diễn biến tích cực, với VHC +1,2%, ANV +2,9%, ASM +2%, IDI +2,1%, ACL, CMX, ABT tăng hơn 1%...

Nhóm chứng khoán tăng nhẹ nhờ nhiều mã đầu ngành đảo chiều từ đỏ sang xanh vào phiên chiều. SSI tăng 0,35, VND tăng hơn 1%, VCI tăng 1,4%, SHS tăng hơn 1%, HCM tăng 3,2%... Vẫn có nhiều mã giảm giá nhưng mức điều chỉnh không lớn, như APG, CSI, EVS, PSI, TCI…

Ngân hàng và thép là hai nhóm tạo sức ép giảm đối với thị trường. Nhóm ngân hàng chỉ còn hai mã giữ được sắc xanh là SHB +1,4% và KLB +3,5%. Chiều giảm mạnh nhất là NVB -3,6%. Các mã còn lại điều chỉnh với biên độ hẹp, nhiều mã đứng tham chiếu.

Nhóm thép chịu tác động do HPG giảm 0,7%, HSG giảm 1,8%, NKG giảm 0,2%... Lội ngược dòng là POM của Thép Pomina tăng trần lên mức giá 5.430 đồng/cp, tăng 20% kể từ cuối tháng 11 đến nay.

POM vào đà tăng bất chấp áp lực bán ra của loạt người nội bộ Thép Pomina thời gian gần đây. Mới nhất, bà Đỗ Thị Kim Ngọc - em ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Pomina đăng ký bán hơn 5,5 triệu cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 2,82% về 0,84% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 7/12/2023 đến ngày 4/1/2024. Trước đó, ngày 17/8, bà Ngọc đã bán 2,3 triệu cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 3,64% về còn 2,82% vốn điều lệ.

Cuối tháng 11, bà Do Nhung (quốc tịch Mỹ) - một em gái khác ông Đỗ Duy Thái cũng đăng ký thoái toàn bộ 6,57 cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 2,35% về còn 0% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 15/11 đến ngày 14/12.

Ngoài ra, bà Đỗ Thị Nguyệt - chị gái ông Đỗ Duy Thái đã đăng ký bán ra 3,5 triệu cổ phiếu POM, giảm sở hữu từ 1,64% về còn 0,39% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến từ 22/11 đến ngày 20/12. Bà Đỗ Thị Kim Lang - em gái của ông Đỗ Duy Thái đăng ký bán toàn bộ 353.788 cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 0,13% vốn điều lệ về 0%, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 4/12/2023 đến ngày 2/1/2024…

Tin liên quan

Đọc tiếp