Vinasun có lãi trở lại sau 2 năm thua lỗ vì ảnh hưởng dịch bệnh. |
Theo báo cáo tài chính quý 2/2022 vừa công bố, Vinasun đạt 247 tỷ đồng doanh thu, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 57 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 67 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty mang về doanh thu 411 tỷ đồng và lãi sau thuế 69 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 97 tỷ đồng). Doanh thu và lợi nhuận của Vinasun trong nửa đầu năm nay tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ nhưng đều chưa bằng phân nửa kết quả kinh doanh một quý ở giai đoạn hoàng kim (2013-2016).
Trong 2 năm Covid-19, hãng taxi từng dẫn đầu thị phần ở TP HCM phải chịu thua lỗ liên tiếp với lỗ lũy kế đến cuối năm 2021 gần 500 tỷ đồng. Công ty cũng phải cắt giảm hơn 2.500 việc làm, trong đó có khoảng 1.800 tài xế.
Lý giải về việc lấy lại “phong độ” trong quý 1 và quý 2, lãnh đạo Vinasun cho biết do "anh em lái xe đã quay lại công ty để tiếp tục kinh doanh, 100% xe được đưa vào hoạt động (không còn nằm bãi), các chi phí được tiết giảm hợp lý". Bên cạnh đó, nhờ dịch Covid-19 đã được khống chế nên các hoạt động kinh doanh và giao thương của nền kinh tế phục hồi trở lại. Điều này tác động tích cực đến kết quả hoạt động của công ty, lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với nền thấp của cùng kỳ.
Theo báo cáo tại cuối quý 2/2022, số lượng nhân viên nhóm công ty tăng lên 2.034 người (so với 1.877 người cuối năm ngoái). Đây là quý đầu tiên nhân sự Vinasun tăng trở lại sau 3 năm liên tiếp giảm tài xế.
Năm 2022, Vinasun đặt kế hoạch tổng doanh thu kinh doanh tăng 32% lên gần 639 tỷ đồng (trong đó doanh thu từ Vinasun Corp là 584 tỷ và Vinasun Green là 55 tỷ). Chỉ tiêu lãi sau thuế hơn 27 tỷ, trong khi năm trước lỗ đậm hơn 277 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng đầu năm, công ty đã sớm vượt kế hoạch lợi nhuận và nhiều khả năng cổ phiếu của hãng taxi này sẽ tránh được án hủy niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tiếp.
Ngay sau khi có thông tin về kết quả kinh doanh, VNS đã tăng trần trong phiên hôm nay, kết phiên ở mức giá 13.350 đồng. Thời kỳ đỉnh cao của cổ phiếu Vinasun là giai đoạn 2013-2014, khi doanh nghiệp “thống trị” trên thị trường taxi tại TP HCM. Tuy nhiên cùng với kết quả kinh doanh lao dốc, VNS cũng giảm từ 2017 và về giá thấp nhất trong năm 2020-2021. Có giai đoạn, mã này từng giảm xuống mức 8.000 đồng.
Những năm qua, sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe công nghệ đã làm thay đổi cục diện ngành taxi Việt Nam. Việc minh bạch thông tin, giá cước khiến người tiêu dùng có thiện cảm với taxi công nghệ và taxi truyền thống dần mất vị thế. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu leo thang, các hãng xe công nghệ liên tục đưa ra những chính sách nhằm tăng phí dịch vụ, cắt giảm khuyến mãi và thu thêm nhiều khoản phụ phí lại khiến không ít tài xế công nghệ nản chí. Khách đợi xe lâu, giá cả cũng không chênh lệch là mấy khiến họ lại quay trở về với taxi truyền thống.
Mặt khác trong thời gian vừa qua, để có thể cạnh tranh với các nền tảng gọi xe công nghệ, các hãng taxi truyền thống cũng có những thay đổi trong hoạt động, áp dụng công nghệ trong vận hành, quản lý. Hiện tại được đánh giá là cơ hội để các hãng taxi truyền thống có thể giành lại thị phần.