
![]() |
Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc VNPT phát biểu tại Hội nghị - Ảnh VPG |
Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc VNPT cho biết, chuyển đổi số trong hoạt động, điều hành, quản trị của doanh nghiệp là nội dung sống còn của doanh nghiệp trong tình hình mới, đặc biệt là với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như VNPT.
Chuyển đổi số được coi là cốt lõi trong các định hướng hoạt động chiến lược của VNPT. Trong 7-8 năm trước, VNPT đã bước vào hành trình chuyển đổi số của mình với những bước đi cụ thể, có chiến lược, có mục tiêu, có chương trình hành động rõ ràng.
Về chuyển đổi số nội bộ, VNPT đặt mục tiêu làm thế nào để có thể nâng tầm cung cấp dịch vụ trải nghiệm khách hàng tốt nhất. VNPT phải tối ưu hoá, tự động hoá các hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh, để tất cả các cấp quản trị điều hành thực sự trên dữ liệu và từ thực tế dữ liệu.
Trong nhiệm vụ cùng với chuyển đổi số quốc gia, tập đoàn đã xác định trách nhiệm tiên phong và đã, đang đóng góp các giải pháp về dịch vụ cho quốc gia như: Dịch vụ công quốc gia cho chính quyền cấp tỉnh, thành phố và bộ, ngành trong việc hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, đất đai, công chức viên chức; các ứng dụng về điều hành quản trị của các chính quyền địa phương, các bộ, ngành. Đặc biệt, thời gian gần đây, đưa trí tuệ nhân tạo vào thực tế hoạt động của các bộ ngành và địa phương.
"Với vai trò là doanh nghiệp tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, VNPT mong muốn tiếp tục được cùng với Chính phủ đưa các giải pháp chuyển đổi số vào thực tế. Đây là đòn bẩy để chúng ta gia tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả vận hành và mở rộng dư địa tăng trưởng cho từng doanh nghiệp, từng ngành nghề," Tổng Giám đốc VNPT nhấn mạnh.
Công nghệ số giúp cho Petrovietnam đảm bảo tốc độ tăng trưởng doanh thu
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, Petrovietnam chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ từ xu hướng công nghệ, dịch chuyển năng lượng và đặc biệt là rất nhạy cảm với các vấn đề về địa chính trị như thách thức từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, tỷ giá, lãi suất…
Trong bối cảnh đó, Petrovietnam vẫn đặt ra mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng, và của Bộ Tài chính là tăng trưởng ít nhất 8%, trong đó, năm nay, việc đưa vào vận hành thương mại các dự án đầu tư sẽ giúp cho Petrovietnam giữ được nhịp tăng trưởng.
Ông Lê Mạnh Hùng cũng chia sẻ, ngay từ năm 2022, Petrovietnam rất quyết liệt, triển khai mạnh mẽ, bài bản về chuyển đổi số, kết hợp với các tập đoàn công nghệ trong nước như là Viettel, VNPT, FPT để triển khai các sáng kiến số. Tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cho các lĩnh vực hoạt động của Petrovietnam và toàn ngành.
Petrovietnam đã triển khai và đưa vào vận hành các sản phẩm số, đặc biệt là đưa vào hoạt động hệ thống quản trị tổng thể các nguồn lực doanh nghiệp ở công ty mẹ và các đơn vị thành viên. Các cái nhà máy thông minh của Petrovietnam cũng đưa vào hoạt động, qua đó nâng công suất bình quân lên trên 120%.
"Các giải pháp về công nghệ số như trên đã góp phần giúp cho Petrovietnam đảm bảo được tốc độ tăng trưởng về doanh thu. khoảng 16,7%/ năm, nộp ngân sách khoảng 21,3%/năm cho giai đoạn 2021 - 2024 vừa qua," đại diện Petrovietnam chia sẻ.
Nhận thức rõ vai trò cũng như tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, Tập đoàn nâng mức đầu tư cho khoa học công nghệ để nâng mức chuyển đổi số của công ty mẹ đến mức 5, tức là mức dẫn dắt và của toàn tập đoàn lên mức 4 vào năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030, Petrovietnam lọt vào top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.
![]() |
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam phát biểu tại Hội nghị - Ảnh VGP |
Sẽ tổ chức đánh giá mức độ chuyển đổi số của DNNN vào cuối năm
Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long cho biết, hiện nay, DNNN hoạt động tại nhiều lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, tài chính… đã đạt được một số thành công trong chuyển đổi số và đạt được mức tăng trưởng ấn tượng.
Tuy nhiên, nhiều DNNN hiện nay năng suất lao động, hiệu quả sản xuất còn thấp, chuyển đổi số manh mún. Để đẩy nhanh chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ KH&CN nêu ra 5 vấn đề:
Thứ nhất, chuyển đổi số rất cần vai trò của người đứng đầu. Công thức chuyển đổi số gồm 70% là chuyển đổi, 30% là công nghệ. Ứng dụng công nghệ thông tin thì phổ biến, ai cũng có thể làm nhưng chuyển đổi số thì chỉ người đứng đầu, vì chỉ có người đứng đầu mới quyết định chuyển đổi.
"Thời gian vừa qua, các tập đoàn, công ty Nhà nước thực hiện chuyển đổi số nhưng đôi khi vẫn là trào lưu, chưa đi vào thực chất. Chuyển đổi số là đổi mới sáng tạo, tạo ra những mô hình mới, do đó, sẽ đối mặt với rủi ro, người đứng đầu nếu không trực tiếp làm thì sẽ khó thành công," Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh.
Thứ hai, chuyển đổi số thể hiện trên dữ liệu. Dữ liệu rất quan trọng, nếu không có dữ liệu thì tất cả công nghệ đều vô nghĩa. Tuy nhiên, hiện nay ý thức xây dựng dữ liệu trong các doanh nghiệp còn thiếu, đặc biệt là các DNNN. Một số doanh nghiệp đã có ý thức xây dựng dữ liệu, qua đó đã áp dụng được trí tuệ nhân tạo, nâng cao được hiệu suất lao động.
Thứ ba, chuyển đổi số cần một doanh nghiệp công nghệ số đồng hành, vì chuyển đổi số là một quá trình chứ không phải là một công đoạn.
Thứ tư, chuyển đổi số là chuyển đổi mô hình kinh doanh để tạo ra tăng trưởng mới. DNNN cần chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang doanh nghiệp số, dựa trên khoa học công nghệ.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long. Ảnh: VGP |
Cuổi cùng, ngày 20/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1012/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến và dựa trên dữ liệu giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.
"Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức đánh giá mức độ chuyển đổi số của DNNN vào cuối năm," đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết và khẳng định cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp Nhà nước trong chuyển đổi số. Thông qua việc sẽ tiếp tục kiến tạo thể chế và các chính sách cho các DNNN và bảo đảm lợi thế cạnh tranh, kết nối hệ sinh thái đổi mới, tạo cung - cầu giữa DNNN và các doanh nghiệp, trường, viện thực hiện chuyển đổi số.