Ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse. Ảnh: Reuters |
Cuộc khảo sát của Credit Suisse có sự tham gia của 650 công ty Thụy Sỹ, bao gồm 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ và 50 công ty lớn. Kết quả báo cáo dựa trên phản hồi từ các giám đốc điều hành có công ty kinh doanh với nước ngoài.
Theo đó, trong năm 2022, khoảng 4% doanh nghiệp siêu nhỏ, 3% doanh nghiệp nhỏ và 8% doanh nghiệp vừa (SME) và gần 1/4 công ty lớn của Thụy Sỹ đã ngừng quan hệ kinh doanh với Nga.
Credit Suisse nhận xét rằng cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây đã chấm dứt kỷ nguyên thương mại đa phương, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Đồng thời, sự căng thẳng địa chính trị đã đặt ra những thách thức đối với các công ty Thụy Sỹ.
Do đó, các công ty nếu tiếp tục hoạt động tại Nga sẽ không chỉ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt, mà còn chịu áp lực bởi thuế hải quan và các hàng rào phi thuế quan khác như quy định mua sắm của chính phủ và thủ tục phê duyệt.
"Không có gì ngạc nhiên khi Nga đứng đầu trong danh sách các quốc gia mà các công ty Thụy Sỹ rút khỏi trong ba năm qua. Mặc dù vậy, một số công ty lớn nói riêng đã lên kế hoạch bắt đầu hoặc tiếp tục hoạt động kinh doanh ở Nga", Credit Suisse nêu rõ. "Tuy nhiên, liệu các kế hoạch này có thực sự được thực hiện được hay không và khi nào sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo của cuộc xung đột tại Ukraine".
Báo cáo của Credit Suisse cũng nhấn mạnh rằng các công ty nước ngoài làm việc với các công ty Thụy Sỹ thường phản đối việc nước này áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Nga. Theo cuộc khảo sát, khoảng 40% các công ty được hỏi cảm thấy phản ứng tiêu cực từ các đối tác kinh doanh của họ vì ủng hộ các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Moscow.
"Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy tầm quan trọng của việc các công ty Thụy Sỹ cần duy trì tính trung lập. Hơn 3/4 các công ty được khảo sát tin rằng việc duy trì tính trung lập của Thụy Sĩ là vì lợi ích của chính công ty họ", Credit Suisse nhận định.
Ngay sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, phương Tây đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt đối với Moscow, trong đó bao gồm yêu cầu dừng hoạt động kinh doanh tại Nga. Điều này đã tạo ra làn sóng các doanh nghiệp rời bỏ Nga nhanh chưa từng có.
Tới cuối năm 2022, khoảng 18% các công ty Mỹ hoạt động tại Nga xác nhận thoái vốn hoàn toàn, trong khi con số đó rơi vào mức 15% đối với các doanh nghiệp Nhật Bản và chỉ 8,3% đối với các doanh nghiệp EU. Trong số các công ty EU và G7 vẫn còn lại ở Nga, nghiên cứu cho thấy 19,5% là thuộc về Đức, 12,4% là của Mỹ và 7% là các công ty đa quốc gia Nhật Bản, theo nghiên cứu công bố hồi tháng 1 bởi Đại học St. Gallen của Thụy Sỹ.