Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn Quảng Nam. |
Thảo luận tại hội trường chiều 31/10 về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) nêu thực tế tại tỉnh Quảng Nam là các doanh nghiệp hiện vẫn rất khó khăn. Mặc dù Nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ và đồng hành kịp thời, tuy nhiên theo đại biểu, áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn… đã tạo những thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Về vốn, ông Phước cho biết, các doanh nghiệp hiện khó tiếp cận các khoản vốn vay trung và dài hạn do điều kiện nghiêm ngặt, thủ tục phức tạp. Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, các khoản thu của doanh nghiệp chậm được thu hồi, hàng tồn kho lớn, chậm luân chuyển, các ngân hàng hầu như không chấp nhận đây là tài sản đảm bảo.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, các khoản thuế cũng là gánh nặng lớn với doanh nghiệp. Ông nêu ví dụ một doanh nghiệp kinh doanh sân golf hơn 60 ha ở Quảng Nam, doanh thu 100 tỷ đồng nhưng phải đóng thuế đến 45 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều lần về cách tính thuế hiện nay là trên cả diện tích 60ha.
Về giá cả thị trường, ông Phước cho rằng thường xuyên biến động, tăng cao, nhất là giá nguyên vật liệu xây dựng, nhân công, trong khi nhiều đơn giá của Nhà nước chậm thay đổi, còn quá thấp. Điều này khiến các doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn, thi công cầm chừng, chấp nhận chịu phạt chậm tiến độ còn hơn là để thua lỗ. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công thấp.
Trong thời gian tới, đại biểu Dương Văn Phước mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đến những khó khăn của doanh nghiệp, có những chính sách kịp thời, thiết thực để hỗ trợ. “Hiện các doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng”, đại biểu nhấn mạnh.
Ông Phước đề xuất Chính phủ thiết kế gói tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, trước mắt là cần tập trung khơi thông các nguồn vốn từ ngân hàng thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng các điều kiện cho vay vốn.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại sớm hạ tiêu chuẩn về đánh giá lịch sử trả nợ của khách hàng, giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí chậm nợ, giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; ban hành gói tín dụng, tín chấp phù hợp với mô hình kinh doanh; đồng hành, chia sẻ những rủi ro với doanh nghiệp.
Đại biểu cũng đề xuất tiếp tục đẩy mạnh cải cách thuế, lắng nghe, chia sẻ các giải pháp giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề về thuế; nghiên cứu các chính sách thuế phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, đại biểu lưu ý, cần chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu, xem xét điều kiện từng doanh nghiệp để có chính sách giảm, giãn thuế phù hợp.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho biết, cử tri, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận Quốc hội, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên đại biểu nhìn nhận, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với những khó khăn như tình trạng thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn giảm. Một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng và số doanh nghiệp giải thể, phá sản cũng tăng lên.
Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn Bắc Giang. |
Mở rộng vấn đề, đại biểu Trần Văn Lâm cho biết, tại kỳ họp này, Chính phủ đã có Báo cáo số 20 về tình hình kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả (12 dự án). Tuy nhiên tiến độ thực hiện còn rất chậm, nhiều vấn đề tồn tại chưa được xử lý. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa.
Đại biểu Trần Văn Lâm có đề xuất đối với một dự án cụ thể tại Bắc Giang. Đó là dự án cải tạo, mở rộng nhà máy CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc). Theo báo cáo của Chính phủ, dự án đã duy trì chạy máy an toàn, ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và đạt hiệu quả cao. Năm 2022, kết quả kinh doanh đạt cao nhất từ trước tới nay, sản lượng sản xuất và tiêu thụ vượt kế hoạch, lợi nhuận đạt 1.779 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo đại biểu, từ đầu năm 2023 đến nay, công ty lại rơi vào khó khăn, nguy cơ thua lỗ hàng trăm tỷ đồng. Ngoài nguyên nhân do thị trường thì ông Lâm cho rằng, gánh nợ tài chính lớn là nguyên nhân chính khiến việc kinh doanh của Đạm Hà Bắc khó cải thiện, do lãi vay và lãi phạt quá cao.
“Công ty đã xây dựng đề án cơ cấu nợ trình cơ quan có thẩm quyền. Ngày 29/12/2022, Bộ Chính trị đã có kết luận liên quan đến nội dung này, trong đó giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo, giao các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ cụ thể để các dự án để tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên đến nay, sau gần 1 năm, các cơ quan liên quan vẫn chưa có các cơ chế giải quyết cụ thể, có thể nói là rất chậm”, ông Lâm nói.
Cho rằng cơ cấu nợ là giải pháp có tính quyết định giúp gỡ khó cho Đạm Hà Bắc, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo quyết định cơ chế cụ thể đối với vấn đề này, để hàng ngàn cán bộ, công nhân lao động của công ty ổn định sản xuất, yên tâm làm việc.