Ảnh: Đạm Cà Mau |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM), doanh thu thuần của DCM đạt 3.565,5 tỷ đồng trong quý 4/2023, giảm 20% so với mức 4.458,8 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán của doanh nghiệp lại chỉ giảm 12,5%, còn 2.699 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận gộp trong quý của doanh nghiệp chỉ đạt mức 865,7 tỷ đồng, tương ứng giảm 36,8% so với cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động tài chính của DCM tăng 26%, đạt 105,7 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính lại giảm 50%, còn 9,7 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 193%, đạt 209 tỷ đồng.
Quý 4/2023, Đạm Cà Mau ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 537,2 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ. Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 491,8 tỷ đồng, giảm 53%.
Đạm Cà Mau 'thận trọng' với mục tiêu lợi nhuận, sẽ chi 1.500 tỷ đồng để đầu tư
Đạm Cà Mau có thành viên HĐQT mới
Năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận 12.949 tỷ đồng doanh thu bán hàng, giảm 20% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu bán sản phẩm chính là ure giảm từ 12.401 tỷ đồng còn 8.310 tỷ đồng; NPK lại tăng từ 1.253 tỷ đồng lên 1.675 tỷ đồng…
Doanh thu thuần của DCM năm 2023 đạt 12.601 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán lại tăng 3,9%, lên mức 10.619 tỷ đồng; trong đó giá vốn hàng hóa phân bón và bao bì tăng 7,7%, lên mức 2.022 tỷ đồng, NPK cũng tăng 22%, lên mức 1.458 tỷ đồng.
Năm 2023, tổng lợi nhuận trước thuế của DCM đạt 1.251,4 tỷ đồng, giảm 72% so với năm trước. Khấu trừ các khoản chi phí, lãi ròng của doanh nghiệp đạt 1.108 tỷ đồng, giảm 74%.
Theo DCM, dự báo năm 2024, tình hình thị trường vẫn phức tạp, Đạm Cà Mau sẽ đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 thận trọng với chỉ tiêu tổng lợi nhuận trước thuế khoảng 839,3 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của DCM tại ngày 31/12/2023 ở mức 15.277 tỷ đồng, tăng 7,8% so với mức 14.166 tỷ đồng tại ngày đầu năm 2023. Trong đó, tiền mặt của doanh nghiệp tăng từ 940 triệu đồng lên 2,1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng của Đạm Cà Mau đã tăng thêm 20,9% so với ngày đầu năm, từ mức 6.812 tỷ đồng lên 8.242 tỷ đồng. Khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn cũng tăng 6,9%, lên mức 2.272 tỷ đồng; tại ngày 31/12/2023 doanh nghiệp cũng có thêm 10 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn dưới 3 tháng. Như vậy, tại ngày cuối năm 2023, DCM có hơn 10.524 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tăng 17,7% so với mức 8.936 tỷ đồng tại ngày đầu năm.
Hàng tồn kho của DCM ở mức 2.169 tỷ đồng, giảm 10,4% so với mức 2.421,8 tỷ đồng tại ngày đầu năm 2023. Trong đó, biến động lớn đến từ hàng thành phẩm khi tăng từ 1.165 tỷ đồng lên 996 tỷ đồng; hàng nguyên vật liệu lại giảm từ 713 tỷ đồng xuống còn 627 tỷ đồng. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho của Đạm Cà Mau giảm từ 139 tỷ đồng xuống còn 31 tỷ đồng.
Nợ của Đạm Cà Mau tại ngày 31/12/2023 ở mức 5.284,7 tỷ đồng, tăng 48% so với mức 3.561 tỷ đồng. Khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng thêm 36,9%, lên mức 1.408 tỷ đồng. Khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn lại giảm từ 106 tỷ đồng xuống còn 23 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của DCM ghi nhận tăng gấp 338 lần, từ mức 2,5 tỷ đồng (ngày đầu năm 2023) lên mức 845,8 tỷ đồng (ngày cuối năm 2023). Theo DCM, trong kỳ doanh nghiệp đã ký hợp đồng tín dụng vay vốn với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Thủ Thiêm, kỳ hạn 2 tháng với lãi suất khoản vay từ 2,8 – 3,5%/năm. Tại ngày 31/12/2023, số dư gốc khoản vay là 844,5 tỷ đồng.
Vay và nợ thuê tài chính dài hạn của doanh nghiệp ở mức 2,96 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với mức 1,04 tỷ đồng.