Ảnh minh họa: Quách Sơn - Mekong ASEAN |
Tại Nghị quyết 122/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, trọng tâm là kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến tình hình, làm tốt công tác phân tích, dự báo, có phản ứng chính sách kịp thời, không để bị động, bất ngờ.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, bảo đảm kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2024 dưới 4,5% như đã đề ra.
"Các Bộ ngành, địa phương tiếp tục triệt để cắt giảm chi thường xuyên để dành cho chi đầu tư phát triển và an sinh xã hội, trong đó thực hiện nghiêm yêu cầu tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, giảm phí, lệ phí đã được ban hành," Chính phủ yêu cầu.
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhất là đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát rủi ro nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng và đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhất là đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; kế hoạch đầu tư công và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch đầu tư công, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025.
Trong đó làm rõ các phương án, kịch bản để báo cáo Chính phủ cho ý kiến trước khi báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội. Chủ động đánh giá, chuẩn bị các nội dung để xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, bảo đảm chất lượng, tiến độ để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Tăng cường giải ngân vốn đầu tư công
Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia, tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, khuyến khích đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cụ thể, các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, các công trình, dự án giao thông quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh; lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư, thúc đẩy hợp tác công tư. Đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống đường bộ cao tốc, phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000km.
Đồng thời, lấy Dự án 500kV mạch 3 làm hình mẫu điển hình về chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thực hiện "5 quyết tâm," "5 đảm bảo" để đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn năm 2024, nhất là đối với các địa phương được giao vốn kế hoạch đầu tư công lớn như TP HCM, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bắc Ninh… và 33 bộ, 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn cả nước.
Các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước triển khai quyết liệt, hiệu quả chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra, thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển, đóng góp tích cực hơn vào bảo đảm các cân đối lớn về điện, xăng dầu, khí đốt và phát triển kinh tế xã hội năm 2024.
Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước
Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương chú trọng phát triển thị trường trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng. Thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử; đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh và sang các thị trường lớn, tiềm năng.
Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan khai thác tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới để đẩy mạnh xuất khẩu.
Kịp thời có giải pháp quản lý, điều tiết, đẩy mạnh sản xuất, ổn định cung cầu các mặt hàng năng lượng, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống. Tổ chức triển khai có hiệu quả Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường điều tiết, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch vùng trồng, thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06 gắn với tích hợp, chia sẻ dữ liệu, hình thành hệ sinh thái công dân số, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg theo hướng tích hợp danh mục ngành kinh tế xanh vào Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
Nghiên cứu, hoàn thiện quy định về chuyển đổi xanh, cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chip bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật
Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn. Từ đó, tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc, sửa đổi, bổ sung các văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, khẩn trương thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư, quy định kinh doanh, phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ theo đúng kế hoạch đề ra.
Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; thực hiện thực chất, hiệu quả các quy định về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.