ĐBQH lo lắng nợ xấu toàn hệ thống có xu hướng tăng

NỢ XẤU NGÂN HÀNG
16:01 - 24/10/2023
Đại biểu Tạ Thị Yên - ĐBQH tỉnh Điện Biên - Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Tạ Thị Yên - ĐBQH tỉnh Điện Biên - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội ngày 24/10, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về tình trạng hấp thụ vốn thấp của nền kinh tế cũng như nợ xấu có xu hướng tăng.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Tạ Thị Yên - ĐBQH tỉnh Điện Biên đã chỉ ra những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt. Trong đó, nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm xuống nhưng dư nợ tín dụng đến ngày 21/9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022.

Theo đại biểu, kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn tín dụng ngân hàng nhưng hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng hết tháng 7/2023 đã vượt mức 3% lên mức 3,56% dù nhiều khoản nợ đã được gia hạn, giãn tiến độ trả nợ theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng cuối năm 2023 và năm 2024, đại biểu đề nghị Chính phủ có chính sách điều tiết hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa lãi suất và tỷ giá, giữa chính sách tiền tệ và tài khóa.

Bên cạnh đó, duy trì kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong 9 tháng đầu năm, có biện pháp đảm bảo nguồn cung từ sản xuất và tập trung vào những giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.

Trong đó, về kích cầu tiêu dùng, đại biểu Yên đề nghị thực hiện chính sách giảm thuế VAT để kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn.

"Chính phủ cũng cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để tổng cầu của nền kinh tế tăng lên. Nếu giải ngân chậm sẽ gây lãng phí lớn vì các dự án phải vay vốn ODA, trả lãi, phát hành trái phiếu Chính phủ", đại biểu tỉnh Điện Biên nêu ý kiến.

Nợ xấu đang cao

Cũng chia sẻ quan điểm liên quan đến chính sách tiền tệ, ngân hàng thời gian qua, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nêu ý kiến, ngày 17/10, trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra khá nhiều vấn đề.

Trong đó, Kiểm toán Nhà nước đã nêu lên việc các ngân hàng thương mại yếu kém chưa đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn. Một số nhà băng có tỷ lệ này khá cao, sát ngưỡng cho phép, tiềm ẩn rủi ro việc mất cân bằng kỳ hạn và rủi ro thanh khoản với tổ chức tín dụng.

Cũng theo đại biểu, thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục có phương án điều chỉnh lãi suất cho vay, cung cấp nguồn vốn kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xem xét xây dựng các gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh hoặc các ngành nghề chịu ảnh hưởng sau dịch Covid-19.

Tuy nhiên, gói hỗ trợ lãi suất 2% với 40.000 tỷ đồng lại đang "ế" hơn 38.000 tỷ đồng.

"Lãnh đạo ngân hàng nhiều lần giải thích nguyên nhân là do doanh nghiệp không có nhu cầu, nhưng cơ quan kiểm toán lại chỉ ra rằng công tác truyền thông của ngân hàng Nhà nước chưa đi trước, chưa mang tính định hướng, các nhà băng thì chưa tích cực triển khai chính sách", đại biểu nêu vấn đề.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Cũng trong lĩnh vực ngân hàng, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, vấn đề cần lưu ý là nợ xấu đang cao và sẽ tiếp tục gia tăng, phản ánh sức khỏe nền kinh tế thực.

Tính đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%, cao hơn mức 2,0% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16% so với tổng dư nợ tín dụng.

Theo đại biểu, nếu loại trừ các ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt, tỷ lệ này là 2,86%. Nếu cập nhật tới ngày 31/8, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng lên mức gần 8%, mà nguyên nhân chính là do nợ xấu của một ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt tăng vọt.

"Con số này có thể sẽ tiếp tục tăng nữa, đặc biệt khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hạn khoanh, giãn, hoãn. Điều này lý giải một phần tại sao tín dụng ngân hàng 9 tháng năm nay tăng chậm", đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận định.

Cũng bày tỏ lo ngại, đại biểu Nguyễn Hải Nam - đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế trăn trở, mức 3,56% nợ xấu nội bảng trong hệ thống ngân hàng, là đáng lo ngại.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam - đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam - đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ngoài khoản nợ này, nợ đọng trái phiếu doanh nghiệp quá hạn, không trả đủ nhà đầu tư hiện khoảng 190.000 tỷ đồng. Hai khoản nợ xấu này của nền kinh tế đã làm thu hẹp không gian của chính sách tiền tệ.

Nếu để nợ xấu lâu, lãi dự thu nhiều, gánh nặng cho nền kinh tế. Chính phủ cần kịp thời có giải pháp xử lý nợ xấu gắn với tái cấu trúc ngân hàng yếu kém để tránh lãng phí nguồn lực, đại biểu Nam nói.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.