Đề xuất thí điểm thu phí đường bộ 9 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Ảnh: VGP. |
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi các Bộ liên quan xin ý kiến trước khi trình Chính phủ về việc thí điểm thu phí sử dụng đường bộ tại các cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Các tuyến cao tốc được chọn bao gồm tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, cùng với 8 đoạn tuyến cao tốc thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2.
Trong 9 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư này, có 4 dự án đã khai thác, 5 dự án sẽ hoàn thành trước năm 2025. Bộ GTVT muốn thực hiện thí điểm thu phí trong 5 năm (từ khi phương án được Quốc hội thông qua), áp dụng đến khi có pháp luật về thu phí đường cao tốc.
Mức thu phí được xác định trên nguyên tắc phù hợp với khả năng chi trả của người dân; Phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội theo từng khu vực.
Về phương pháp tổ chức thu phí, Bộ GTVT kiến nghị áp dụng toàn diện thu phí không dừng, đa làn liên thông giữa các đoạn/tuyến cao tốc, giữa các dự án do Nhà nước đầu tư và các dự án PPP. Số tiền thu được sau khi trừ chi phí tổ chức thu, sẽ nộp trực tiếp vào ngân sách Trung ương hoặc địa phương theo phương án đầu tư khai thác.
Theo Bộ GTVT, do việc thu phí các tuyến cao tốc Nhà nước đầu tư chưa có tiền lệ, nên việc tiến hành thí điểm phải được thực hiện tuần tự theo đúng quy định. Trong đó, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết chấp thuận cơ chế thí điểm thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên các đoạn/tuyến đường bộ cao tốc.
Sau khi Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế thí điểm được thông qua, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn tổ chức thu, nộp, quản lý, sử dụng số tiền thu được. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT, Bộ Tài chính ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Khi cơ sở pháp lý về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc qua trạm thu phí được hoàn thiện, Bộ GTVT chỉ đạo cơ quan được giao quản lý đường cao tốc xây dựng các đề án khai thác (bao gồm cả việc tổ chức thu tiền) đối với tuyến đường cao tốc đã được chấp thuận thực hiện thí điểm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định pháp luật có liên quan.
Việc khai thác được thực hiện theo quy định tại Điều 80, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, bao gồm các phương thức: Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng; Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.
Trước đây, cao tốc TP HCM - Trung Lương đầu tư bằng vốn ngân sách đã được thu phí đường bộ. Khi có chủ trương không thu phí các dự án đường bộ đầu tư bằng ngân sách vào năm 2019, tuyến cao tốc này đã dừng thu.
Tuy nhiên, lưu lượng phương tiện trên cao tốc TP HCM - Trung Lương sau đó tăng đột biến, thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông. Một năm sau, Bộ GTVT đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thu phí trở lại.
11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 với chiều dài 654 km đi qua 13 tỉnh, thành phố, trong đó có 8 dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách và 3 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Sau khi hoàn thành 11 dự án, cùng với hơn 300 km cao tốc đã được khai thác, tuyến cao tốc Bắc Nam sẽ có hơn 1.000 km, đáp ứng nhu cầu vận tải, khắc phục tình trạng ách tắc và tai nạn trên Quốc lộ 1. Để nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc Nam, ngành giao thông đang đầu tư 659 km còn lại, dự kiến hoàn thành năm 2025.