Cuộc họp quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn Lao động di cư ASEAN lần thứ 15 (AFML). Ảnh: Gia Đoàn. |
Ngày 10/10, Hội nghị quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn Lao động di cư ASEAN lần thứ 15 (AFML) với chủ đề “Tiếp nối hoạt động di cư lao động và hợp tác khu vực” đã diễn ra tại Hà Nội, do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) chủ trì.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐTBXH) cho biết, hiện có 650.000 người Việt Nam đang làm việc ở 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong giai đoạn vừa qua khi việc ưu tiên ứng phó với đại dịch Covid-19 được đặt lên hàng đầu, Chính phủ Việt Nam vẫn có những nỗ lực hỗ trợ người lao động trong đó có người lao động di cư duy trì việc làm, đảm bảo sinh kế cũng như phát triển những kỹ năng cần thiết để tiếp tục đóng góp cho xã hội.
Hiện nay, khi đại dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam và trên toàn thế giới, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã dần hồi phục.
“Cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để tận dụng được những yếu tố tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như tiếp tục bảo vệ tốt lực lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trước những biến đổi khó lường trong tương lai”, bà Đức cho biết.
Ảnh: Gia Đoàn Bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế
“Việc thị trường lao động di cư đang dần sôi động trở lại đòi hỏi các nước và các bên liên quan trong xã hội thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hỗ trợ việc dịch chuyển của lao động, đồng thời xây dựng và bảo vệ tốt hơn cho họ trong bối cảnh mới”.
Theo bà Đức, kể từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn việc đi làm việc ở nước ngoài của nhiều người lao động. Có những người lao động hết hạn hợp đồng không thể trở về nước, trong khi có nhiều người đáp ứng điều kiện đi làm việc ở nước ngoài với giấy tờ đầy đủ nhưng không xuất cảnh được do các biện pháp ứng phó của quốc gia nơi họ mong muốn đến làm việc.
Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới sinh kế và định hướng việc làm của người lao động cũng như đặt ra những thử thách mới về việc làm cho những người lao động phải về nước trước thời hạn.
Từ phía Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), bà Anna Engblom, Trưởng cố vấn kỹ thuật, Dự án TRIANGLE, Văn phòng ILO Châu Á - Thái Bình Dương khuyến nghị, cần nhiều hơn các cuộc tham vấn, diễn đàn trong khu vực để tạo sự đồng thuận về vấn đề lao động di cư sau Covid-19.
Ảnh: Gia Đoàn Bà Anna Engblom, Văn phòng ILO Châu Á - Thái Bình Dương
“Thách thức có thể nhìn thấy rõ nhất là trong thời kỳ đại dịch, nhiều quốc gia áp dụng chính sách phong tỏa như Việt Nam, Campuchia, Lào dẫn tới lao động di cư ở các nước tiếp nhận như Nhật Bản, Hàn Quốc bị ‘mắc kẹt’ không thể về quê hương”.
Từ bối cảnh đó, đại diện ILO khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng cần sớm tìm ra giải pháp tăng hợp tác giữa các nước. Bà Anna Engblom cũng khẳng định cam kết hợp của ILO trong quá trình hợp tác khu vực, đảm bảo quyền của người di cư.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ LĐTB&XH và đại diện ILO, Diễn đàn Lao động di cư ASEAN lần thứ 15 (AFML) sẽ tập trung vào 2 nội dung chính, gồm: Phục hồi kinh tế và di cư lao động ở Việt Nam và ASEAN; Bảo vệ quyền để tối ưu hóa tác động phát triển của di cư lao động.
Các đại biểu sẽ trao đổi, cập nhật các hoạt động quốc gia trong việc thực hiện khuyến nghị tại Diễn đàn AFML lần thứ 14. Đồng thời tập trung thảo luận 2 nội dung chính của AFML nêu trên và đề xuất các nội dung khuyến nghị từ phía Việt Nam nhằm cung cấp đầu vào cho AFML lần thứ 15 sắp tới, sẽ diễn ra trong năm 2022.
Diễn đàn ASEAN về Lao động Di cư (AFML) là sự kiện thường niên do nước chủ nhà ASEAN tổ chức trong khuôn khổ Ủy ban ASEAN nhằm thực hiện Tuyên bố của các Nhà lãnh đạo ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của Người lao động di cư. Các khuyến nghị và giải pháp thúc đẩy quyền của lao động di cư được đề xuất tại Diễn đàn sẽ tạo cơ sở để xây dựng và triển khai các hoạt động của quốc gia và khu vực.