FLC bất ngờ tạo sóng khi nhận lực cầu lớn trong phiên chiều. |
Nếu không nói về sự chuyển sắc cuối phiên của nhóm cổ phiếu lớn thì phiên đáo hạn phái sinh hôm nay diễn ra khá êm đềm. VN-Index đóng cửa tăng hơn 2 điểm và dừng chân tại mốc 1.461,34 điểm. HNX-Index và UPCoM đều giảm điểm nhẹ. Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt 25.216 tỷ đồng. Đây vẫn là con số khiêm tốn khiến thị trường không có chuyển biến lớn.
Chỉ số chính sàn HoSE tăng điểm từ sớm, nhưng sau đó hạ nhiệt dần do lực cầu yếu, đặc biệt là sức nặng từ nhóm bluechips vào phiên chiều. Kết phiên, các mã đỏ và vàng chiếm ưu thế hơn các mã xanh. Trong đó giảm mạnh nhất là GAS -2,9%, MSN -1,8%, VJC -1,4%, VNM -1,2%, VPB -1%... Ngược lại, BID trở thành “công thần” khi tăng tới 4,6%, qua đó đóng góp cho VN-Index 2,5 điểm. VCB cũng giữ được đà tăng từ hôm qua với tỷ lệ 0,5%.
Do tác động từ thông tin FED tăng lãi suất nên nhóm ngân hàng, chứng khoán và dịch vụ tài chính hôm nay cũng thu hút được dòng tiền hơn. Tại nhóm bank, ngoài hai “anh cả” BID và VCB thì nhiều mã khác cũng kết phiên trong sắc xanh như CTG +2,2%, SHB +1,6%, ABB, HDB +1,3%, MSB +1%... Các mã ở chiều giảm là VPB, VBB, TPB, TCB, STB, EIB. KLB sau nhiều phiên tăng nóng đã quay đầu giảm 4,2%.
Nhóm chứng khoán có các mã tăng mạnh là PHS +10,7%, HAC +3,8%, VFS +3,1%, BCG +2,3%... Còn 3 mã thuộc nhóm dịch vụ tài chính có OGC tăng trần, IPA +2,1% và TVC +0,9%.
Nhóm bất động sản gây chú ý nhất với 6 mã tăng trần là FLC, DRH, KHG, QCG, FDC và HQC. Trong đó, FLC gây chú ý với thanh khoản hơn 41 triệu đơn vị, đứng đầu thị trường và còn dư mua giá trần hơn 3 triệu đơn vị. Với mức giá trần 13.650 đồng, đã rất lâu cổ đông FLC mới được nhìn ngắm sắc tím trong tài khoản chứng khoán.
Ngoài FLC, ROS, HAI, AMD, KLF, ART – những mã của các doanh nghiệp liên quan đến hệ sinh thái FLC cũng duy trì phiên thứ 2 ở chiều tăng.
FLC lình xình ở mức giá 12.000 đồng sau lùm xùm Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu. |
Các mã tăng tốt trong nhóm bất động sản còn lại chủ yếu là các mã nhỏ. Các mã lớn như VIC, VRE, DIG, PDR, KDH, KSF, KBC, NLG, CEO, ITA… cũng ở chiều tăng nhưng tỷ lệ chênh lệch chỉ trên dưới 1%. Chiều ngược lại vẫn ghi nhận 16 mã giảm giá, trong đó có VHM -0,3%, NVL -1%. HUT sau chuỗi tăng nóng hôm nay đã giảm mạnh 8,6%.
Ngoài các nhóm trên thì các nhóm xây dựng, bảo hiểm, bán lẻ, nông – lâm – ngư, công nghệ thông tin, thiết bị điện… cũng ở chiều tăng; trong khi các nhóm cổ phiếu hàng hoá như dầu khí, thép, than, chế biến thuỷ sản tiếp tục bị chốt lời.
Họ dầu khí nhà PVN kéo dài chuỗi thời gian buồn bã suốt cả ngày, thậm chí dù trong thời gian phiên chiều, giá dầu Brent future đã quay lại lên trên 100 USD/thùng. GAS giảm gần 3%, các tên tuổi khác cũng có mức giảm tương tự hoặc còn lớn hơn như PVC, PVB, PGD, PVG, PVD… Cả 2 đại gia phân bón là DCM và DPM cũng đồng cảnh ngộ khi giảm lần lượt 6,8% và 4,1%. Các mã phân bón khác cũng đều giảm sâu.
Giao dịch khối ngoại là điểm sáng khi họ đã trở lại mua ròng sau chuỗi 8 phiên bán ròng liên tiếp. Tổng giá trị nhà đầu tư nước ngoài mua vào là 1.523 tỷ đồng trong khi bán ra 1.388 tỷ đồng. Trong đó, DPM và CTG được gom nhiều nhất với giá trị lần lượt 80 tỷ đồng và 71 tỷ đồng. PNJ cũng được mua ròng 52 tỷ đồng, GMD 38 tỷ đồng. Ngược lại, LPB chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối ngoại với giá trị 86 tỷ đồng, tiếp theo là HPG (46 tỷ đồng), VIC (38 tỷ đồng), VND (34 tỷ đồng)...