Kế hoạch tăng vốn của EVN Finance đang không thuận lợi. |
Trong bối cảnh thị trường điều chỉnh, cổ phiếu EVF của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance) tăng tốc hướng về vùng đỉnh. Phiên sáng 16/11, bất chấp VN-Index chuyển sắc đỏ, mã này vẫn tăng hơn 3% lên mức giá 15.400 đồng/cp. Phiên trước đó (15/11), mã đóng cửa ở mức giá trần.
Từ phiên 23/10 đến nay, cổ phiếu của EVN Finance liên tục leo dốc và hiện đã đạt hiệu suất 36%. So với vùng đỉnh 16.000 đồng hồi tháng 12/2021 thì EVF chỉ còn cách một đoạn ngắn. Còn tính từ đầu năm đến nay, mã đã tăng gấp đôi giá trị.
Diễn biến giá cổ phiếu EVF trên sàn đối lập với tình trạng “ế ẩm” của EVN Finance khi phát hành cổ phiếu mới. Theo thông báo kết quả thực hiện quyền của đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu ngày 9/11, EVN Finance chỉ bán được hơn 1/3 trong tổng số 351 triệu cổ phiếu chào bán trong thời gian từ ngày 28/9 - 31/10; giá chào bán là 11.000 đồng/cp.
Theo phương án mới được HĐQT thông qua, EVN Finance sẽ phân phối 226,68 triệu cổ phiếu còn lại cho cổ đông khác và/hoặc nhà đầu tư mới; thời gian phân phối đến ngày 29/11; giá chào bán không đổi.
Theo phương án phát hành, doanh nghiệp chào bán 351 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới. Nếu hoàn tất, EVN Finance sẽ nâng vốn điều lệ lên hơn 7.000 tỷ đồng.
Công ty kỳ vọng thu về 3.861 tỷ đồng để phục vụ mục tiêu tăng trưởng quy mô dịch vụ tài chính có ứng dụng công nghệ số, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng qua cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoặc mua cổ phần.
EVN Finance được thành lập từ 2008 với mục tiêu thu xếp vốn, quản trị vốn cho các dự án điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đơn vị thành viên. Kết quả kinh doanh của công ty tăng trưởng đều đặn từ 2013 đến nay.
9 tháng đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần của EVF ghi nhận giảm 43% xuống 404 tỷ đồng nhưng lãi hoạt động dịch vụ tăng từ 15 tỷ đồng lên 37,5 tỷ đồng; mua bán chứng khoán chuyển từ lỗ 37 tỷ đồng thành lãi 326 tỷ đồng. Đồng thời, thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần tăng từ 11 tỷ lên 102 tỷ đồng. Chi phí hoạt động giảm 33% xuống 215 tỷ đồng. Nhờ đó, lãi ròng của công ty tăng 13% lên 275 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý 3/2023, tổng tài sản của EVN Finance đạt gần 47.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với đầu năm. Trong đó tiền gửi tại các ngân hàng chiếm gần 13.500 tỷ đồng, cho vay khách hàng gần 29.000 tỷ đồng, chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán hơn 1.300 tỷ đồng.