Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đắk Nông trao đổi với báo chí về phiên chất vấn sắp tới. |
Trao đổi với Mekong ASEAN, đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) cho biết, kỳ này, các đại biểu sẽ chất vấn lại những chủ đề, nội dung đã chất vấn trước đây để xem các bộ, ngành triển khai đến đâu. Đó là những công việc mà các bộ, ngành chưa hoàn thành hoặc chưa làm hài lòng cử tri.
“Các bộ trưởng có lẽ cũng lo lắng, với các vấn đề mình đã hứa với cử tri nhưng không hoàn thành hoặc có vấn đề gì đó. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để các bộ, ngành giải trình nguyên nhân chủ quan, khách quan, cách giải quyết các nội dung chưa làm được, chưa làm tốt; với tinh thần vướng đến đâu tháo đến đó”, nữ đại biểu nêu quan điểm.
Đánh giá về những kết quả mà Đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên kiến nghị tại các kỳ họp trước, đại biểu Lò Thị Luyến cho biết, Chính phủ đã có những động thái chỉ đạo và các cơ quan Trung ương cũng thiện chí hơn với địa phương. “Như vấn đề điện lưới cho nông thôn, Đoàn Điện Biên có gửi văn bản chất vấn và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc quan tâm hơn các địa bàn chưa có điện, hiện tỉnh đang chờ Thủ tướng phê duyệt giai đoạn tiếp theo”, bà nói.
Bày tỏ hào hứng với phiên chất vấn tới, đại biểu cho biết ngoài các nội dung liên quan trực tiếp đến địa phương mình, bà còn rất quan tâm đến các vấn đề chung như giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu ở vùng ven biển.... Đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội quan tâm giám sát, đại biểu và các cử tri đang ngóng chờ ý kiến của cơ quan thẩm tra với tờ trình của Chính phủ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Đại biểu Lò Thị Luyến phát biểu tại hội trường. |
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Anh Công – Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, kỳ họp lần này chất vấn giữa kỳ, với nội dung chất vấn là tất cả các lĩnh vực liên quan đến kiến nghị sau giám sát của khoá XIV và kiến nghị của khoá XV tính đến Kỳ họp thứ 4. “Nội dung dàn trải trong tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, đòi hỏi tất cả cơ quan hành pháp, kể cả toà án, viện kiểm sát tham gia trả lời chất vấn”, ông nói.
Đặc biệt, theo đại biểu, tại kỳ họp này lần đầu tiên Quốc hội đưa ra thảo luận báo cáo giám sát tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Báo cáo này trước đây thường được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu. Đây là báo cáo quan quan trọng giúp hoạt động chất vấn sâu hơn, đi sát thực chất hơn, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đại biểu Dương Khắc Mai - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kỳ vọng kỳ chất vấn lần này sẽ rất sôi động, khi phạm vi không chỉ giới hạn 3-4 bộ ngành như các kỳ trước.
“Tôi mong rằng các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ cầu thị, tiếp thu, trả lời trúng vấn đề chứ không lòng vòng theo căn cứ luật. Hai bên phải tương tác với nhau để công việc được thông suốt. Tôi cho rằng chất vấn suy cho cùng là để tìm ra giải pháp, khắc phục những hạn chế, yếu kém chứ không phải để tìm ra điều gì đó, quy trách nhiệm cho ai đó. Vì vậy các vị đại biểu cũng phải với tinh thần cầu thị nhất”, đại biểu cho biết.
Về vấn đề quan tâm, đại biểu Dương Khắc Mai cho biết ông quan tâm đến các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vì vậy, ông dự định sẽ chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT về sản xuất, phương thức tiêu thụ, thị trường, giá cả...
PHẢI XEM CÁC BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG NGÀNH CÓ THỰC SỰ QUYẾT TÂM
Đại biểu Quản Minh Cường – Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đánh giá, hoạt động chất vấn của Quốc hội ngày càng thẳng thắn, công khai, minh bạch, rõ ràng. “Chưa bộ trưởng nào trả lời chất vấn mà tôi không hài lòng, có thể chưa hoàn toàn ưng ý nhưng cơ bản đều đáp ứng kỳ vọng, nội dung mà đại biểu yêu cầu. Tất nhiên có những nội dung khó, câu trả lời đòi hỏi trí tuệ tập thể, cả hệ thống chính sách, thậm chí giải thích cả ngày mới hết”, ông nói.
Ông Cường cho biết, đại biểu ai cũng kỳ vọng các bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện đúng lời hứa của mình, nhưng thực tế không phải cứ hứa là làm được. Ví dụ Bộ trưởng GTVT hứa hoàn thành cái cầu này trong tháng này, nhưng vốn ngân sách lại liên quan đến Bộ KH&ĐT, Bộ KH&ĐT cấp rồi nhưng lại không giải phóng được mặt bằng, lại liên quan đến cấp tỉnh...
Vì vậy, theo ông Cường, việc đánh giá kết quả thực hiện chất vấn quan trọng hơn cả là phải xem các bộ trưởng, trưởng ngành có thực sự quyết tâm không, có hành động, có chính sách gì để triển khai không.
Đất nước được như thế này là nhờ Chính phủ, rất nhiều vị bộ trưởng, người có chức năng, nhiệm vụ đã thực hiện tốt lời hứa của mình. Đương nhiên còn một vài việc không đạt được kết quả tốt, nhưng theo tôi không đánh giá hết được bản chất. Chúng ta phải bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân. Nếu phát hiện nguyên nhân do các bộ trưởng, trưởng ngành thờ ơ, thiếu trách nhiệm thì các đại biểu chúng tôi cũng sẵn sàng nêu trước Quốc hội, chính là thể hiện qua phiếu tín nhiệm vừa rồi.
Về nội dung chất vấn kỳ này, Phó Bí thư Đồng Nai cho biết, ông quan tâm đến những vấn đề nóng. Một là giáo dục, sách giáo khoa chỉ là một nội dung, theo ông quan trọng hơn là làm sao nâng cao chất lượng đào tạo. Hai là việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, không chỉ là giường bệnh, chữa bệnh, thuốc. “Như ở Đồng Nai, vấn đề là nước sạch, ung thư quá nhiều, tỷ lệ cao”, ông nói.
Ba là phân tầng xã hội, làm sao để người giàu - người nghèo phân cực hợp lý để không trở thành đối kháng. Có những người không thể thoát nghèo do tàn tật, hoàn cảnh, tai nạn..., xã hội phải có trách nhiệm.
“Còn rất nhiều vấn đề khác, như an toàn giao thông cũng gây bức xúc. Đặc biệt vấn đề gần đây chưa được quan tâm nhiều là tội phạm có nguyên nhân xã hội, mâu thuẫn trong từng gia đình, gây ra các vụ án đau lòng. Chúng ta không đổ trách nhiệm cho ai nhưng phải tìm ra nguyên nhân. Quốc hội cũng phải quan tâm đến vấn đề này", đại biểu nêu ý kiến.