Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Phong Phan |
Dự án đầu tiên là Đầu tư xây dựng khu dân cư nông thôn mới tại xã Nhật Tân, Đồng Hóa thuộc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu nhà ở đô thị tại các xã Đại Cương, Nhật Tân, Đồng Hóa, Nhật Tựu, huyện Kim Bảng (KB-ĐT.40.22).
Dự án có diện tích khoảng 9,5 ha, trong đó có 1,9 ha đất xây dựng 163 căn nhà ở liền kề cao 4 tầng, 2 ha xây trung tâm thương mại cao 3 tầng, 0,1 ha đất tái định cư,diện tích đất ở còn lại nhà đầu tư được kinh doanh, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở, dự kiến đáp ứng quy mô dân số khoảng 1.288 người.
Hiện khu đất này chưa được giải phóng mặt bằng, cơ cấu sử dụng đất hiện trạng bao gồm 2,8 ha đất trồng lúa, 6,7 ha đất nông nghiệp khác và 0,017 ha đất giao thông.
Tổng mức đầu tư gần 620 tỷ đồng, trong đó sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án gần 598 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 22 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án trong 36 tháng, nhà đầu tư cần hoàn thành đưa công trình vào hoạt động, khai thác vận hành chậm nhất là ngày 31/12/2028.
Nhà đầu tư muốn tham gia thực hiện dự án phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu gần 124 tỷ đồng và đã từng thực hiện một dự án tương tự. Thời hạn cuối cùng để nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký dự án là trước 9h ngày 9/1/2024.
Khu nhà ở đô thị tại các xã Đại Cương, Nhật Tân, Đồng Hóa, Nhật Tựu, huyện Kim Bảng, nơi thực hiện dự án trên có tổng diện tích khoảng 299,83 ha, quy mô dân số khoảng 30.000 nằm giáp các khu công nghiệp (KCN) lớn của tỉnh Hà Nam gồm KCN Đồng Văn 4, KCN Kim Bảng 1 và hai cụm công nghiệp Lê Hồ và Đồng Hóa. Khu vực này được quy hoạch là khu nhà ở cho cán bộ công nhân KCN Kim Bảng 1.
Dự án tiếp theo là đầu tư xây dựng Khu dân cư mới kết hợp chỉnh trang đô thị tại phường Bạch Thượng, thị xã Duy Tiên (DT-ĐT28.22).
Dự án này có tổng diện tích 21,08 ha, trong đó có 0,3 ha đất tái định cư, phần diện tích đất còn lại (trừ đất ở tái định cư), nhà đầu tư được thực hiện kinh doanh, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở.
Quy mô dự án gồm các căn nhà ở trên các tuyến đường trục cảnh quan, đường liên khu vực... theo quy định, các công trình công cộng như trường học, nhà văn hóa, chợ.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 782 tỷ đồng, trong đó, sơ bộ chi phí đầu tư là 742 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 40 tỷ đồng.
Thời hạn sử dụng đất của dự án là 50 năm, thời hạn đầu tư của dự án là 6 năm, từ năm 2023 - 2029, trong đó tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động, khai thác vận hành là 36 tháng. Nhà đầu tư phải đưa dự án vào hoạt động, khai thác vận hành chậm nhất là ngày 31/12/2029.
Nhà đầu tư muốn thực hiện dự án phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 117 tỷ đồng và đã từng thực hiện một dự án tương tự, thời hạn nộp hồ sơ của dự án là 9h sáng ngày 9/1/2024. Ngoài ra, thông báo mời thầu cũng nêu yêu cầu trước khi triển khai thi công các hạng mục công trình của dự án, nhà đầu tư phải bóc riêng tầng đất mặt với độ sâu khoảng 20 - 25cm (tính từ mặt đất) để sử dụng vào mục đích nông nghiệp.
Dự án thứ 3 được kêu gọi cũng nằm tại thị xã Duy Tiên là Đầu tư xây dựng Khu dân cư mới kết hợp chỉnh trang đô thị tại phường Bạch Thượng, phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên (DT-ĐT29.22).
Dự án có tổng diện tích 13,8 ha, trong đó có 0,2 ha đất tái định cư, 0,4 ha đất công trình thương mại dịch vụ, còn lại là diện tích đất ở và đất công cộng, riêng diện tích đất ở (trừ đất tái định cư), nhà đầu tư được thực hiện kinh doanh, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở.
Hiện khu đất này chưa được giải phóng mặt bằng, cơ cấu sử dụng đất hiện trạng gồm 8,83 ha đất trồng lúa, 2,89 ha đất mặt nước thủy sản, 1,21 ha đất thủy lợi, 0,19 ha đất trồng cây lâu năm, 0,29 ha đất dân cư hiện trạng và 0,43 ha đất giao thông hiện trạng.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 397 tỷ đồng, trong đó, sơ bộ chi phí thực hiện dự án là 369 tỷ đồng, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng là 28 tỷ đồng.
Thời hạn sử dụng đất của dự án là 50 năm, thời hạn đầu tư là 5 năm, từ năm 2023 - 2028, tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động, khai thác vận hành là 36 tháng, nhà đầu tư phải hoàn thành, đưa công trình vào hoạt động, vận hành chậm nhất là ngày 31/12/2028.
Nhà đầu tư muốn thực hiện dự án phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 79 tỷ đồng và đã từng thực hiện một dự án tương tự, thời hạn nộp hồ sơ của dự án là 9h sáng ngày 9/01/2024.
Bạch Thượng và Yên Bắc là hai phường có nhiều tiềm năng phát triển tại Duy Tiên nhờ hưởng lợi từ hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi với đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình và quốc lộ 38 nối Hà Nam với Hà Nội và Hưng Yên cùng khu công nghiệp Đồng Văn 2 mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội.
Dự án cuối cùng là Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới phía Tây quốc lộ 21, TP Phủ Lý (PL-ĐT03.21-1) tại xã Liêm Chung, TP, Tỉnh Hà Nam
Dự án có tổng diện tích 21 ha, trong đó có 1,5 ha đất xây dựng 112 căn nhà liền kề; 0,1 ha đất tái định cư dự trữ; 1,8 ha đất xây dựng nhà ở xã hội; 0,9 ha đất hỗn hợp; 0,2 ha đất xây dựng khu thương mại dịch vụ, còn lại là đất xây dựng công trình công cộng và đất ở. Riêng phần đất ở, nhà đầu tư được thực hiện kinh doanh, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở.
Hiện khu đất này chưa được giải phóng mặt bằng. Cơ cấu sử dụng đất hiện trạng gồm 18 ha đất trồng lúa; 1,3 ha đất mặt nước nuôi trồng thủy sản; 0,4 ha đất bãi đất vườn, công trình tạm và 1 ha đất giao thông, kênh mương.
Tổng chi phí đầu tư khu đô thị trên là 550 tỷ đồng, trong đó, sơ bộ chi phí thực hiện dự án là 491 tỷ đồng, chi phí bồi thường, tái định cư là 59,8 tỷ đồng.
Thời hạn sử dụng đất của dự án với đất ở mới là lâu dài còn đất thương mại dịch vụ là 50 năm. Thời hạn đầu tư khu đô thị mới phía Tây quốc lộ 21 là 4 năm (từ 2023-2027), tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động, khai thác vận hành là 36 tháng, nhà đầu tư hoàn thành đưa công trình vào hoạt động chậm nhất là ngày 31/12/2027.
Nhà đầu tư muốn thực hiện dự án phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 82 tỷ đồng và đã từng thực hiện một dự án tương tự. Thời hạn cuối cùng để nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là ngày 8/1/2024.
Với 4 dự án này, Hà Nam đã nâng tổng số dự án tỉnh kêu gọi đầu tư từ đầu năm đến nay lên 22 dự án và trở thành một trong những tỉnh tích cực kêu gọi đầu tư vào các dự án nhất cả nước.
Trong số các dự án tỉnh kêu gọi có nhiều dự án lớn như Khu đô thị Đại học Nam Cao địa phận TP Phủ Lý, diện tích 300 ha, tổng vốn đầu tư 6.370 tỷ đồng; dự án Đầu tư xây dựng KĐT sinh thái Bắc Châu Giang, diện tích 176 ha, tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng; Khu dân cư nông thôn mới tại xã Liêm Tuyền và Đinh Xá, TP Phủ Lý, tổng mức đầu tư 5.114 tỷ đồng, diện tích 18,3 ha. Hầu hết các dự án được Hà Nam kêu gọi đều đã có nhà đầu tư quan tâm đăng ký.