Không khí đìu hiu, vắng vẻ bao trùm chợ Mai Động sau khi gần 300 tiểu thương chuyển đi. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN. |
Cuối năm 2023, dự án xây dựng đường Tam Trinh được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh lại, thời gian thực hiện từ năm 2016-2026. Chợ Mai Động là một trong những địa điểm cần giải phóng để phục vụ dự án theo phê duyệt mới.
Chợ nằm giữa ngã ba đường Tam Trinh - Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hoạt động từ năm 1995 với khoảng 300 ki-ốt, có diện tích 3.074m2 trong đó 1.566m2 thuộc chỉ giới giải phóng mặt bằng dự án đường Tam Trinh.
Ngày 10/1 vừa qua, UBND phường Mai Động đã có thông báo số 13/TB-UBND gửi Ban quản lý chợ Mai Động để thông báo các hộ kinh doanh thực hiện di chuyển về chợ Lĩnh Nam và bàn giao mặt bằng cho dự án.
Ban quản lý chợ Mai Động đã cho đóng hết các cổng ra vào chợ và chỉ mở một cổng phía đường Lĩnh Nam. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN. |
Đến ngày 20/2, Ban quản lý chợ ban hành thông báo số 21/TB-BQL về việc tổ chức khảo sát nhu cầu kinh doanh đối với các hộ tại chợ Mai Động. Các tiểu thương đều đồng tình với việc giải tỏa mặt bằng, xây dựng đường Tam Trinh. Do đó, để đảm bảo cho việc giải phóng mặt bằng, chợ Mai Động phải dừng hoạt động trước ngày 29/2.
Mekong ASEAN ghi nhận thời điểm ngày 19/3, sau yêu cầu di chuyển khỏi chợ, nhiều hộ kinh doanh có ki-ốt trong chợ Mai Động đã rời đi gần hết để trả lại mặt bằng cho dự án mở rộng đường Tam Trinh. Hiện chỉ còn khoảng 10 quầy bán rau, thịt, cá cố bám trụ chờ ngày chợ bị đập bỏ hoàn toàn.
Ban quản lý chợ Mai Động mở duy nhất một cửa ra vào cho các hộ kinh doanh thu dọn, di dời hàng hóa. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN. |
Hầu hết các tiểu thương hiện vẫn còn hoạt động ở chợ Mai Động cho biết, từ năm 2018 đến nay, chính quyền quận Hoàng Mai đã không thu tiền thuê ki-ốt của các tiểu thương và họ chỉ cần đóng tiền điện, tiền dọn dẹp vệ sinh.
Khu chợ bị cắt điện và nước hoàn toàn, cũng như không còn bảo vệ ở trông giữ xe như trước. Hầu hết các tiểu thương còn hoạt động ở chợ Mai Động chỉ bán từ sáng đến khoảng 4h chiều. Đến cuối chiều là khu chợ tối tăm vì không có điện. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN. |
Rác thải, phế thải, đồ dùng cũ còn sót lại nằm chỏng chơ ở các lối đi. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN. |
Mặc dù đã được cơ quan chức năng thông báo từ cuối tháng 2, đến nay một số tiểu thương vẫn gặp khó khăn trong việc tìm thuê mặt bằng mới.
Chị Ngọc Lý chuyên kinh doanh mặt hàng đồ khô tại chợ Mai Động cho biết: "Tôi có được nhận thông báo từ Ban quản lý chợ là sẽ chuyển sang khu chợ Lĩnh Nam. Tuy nhiên, ở đó cách khá xa chợ Mai Động nên cũng bất tiện cho tôi. Hầu hết khách quen của tôi đều là những quán ăn, nhà hàng gần đây nên nếu chuyển đến chỗ chợ Lĩnh Nam cũng phải mất nhiều thời gian để quay lại nhịp kinh doanh cũ".
Chưa thể bố trí được chỗ mới cũng như chưa tiêu thụ hết hàng hóa, bà Lan, một tiểu thương kinh doanh đồ nhựa, gia dụng, đành treo biển thanh lý, cố bán đống hàng mà bà đã nhập từ đầu năm nay để bán cho dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
"Do thời gian cũng gấp rút nên chưa thể tìm luôn được mặt bằng mới phù hợp. Tôi cũng định bán thêm tầm 4-5 năm nữa rồi mới nghỉ hẳn mà giờ con cái cứ khuyên tôi thanh lý nốt rồi nghỉ, nên giờ không khỏi tiếc nuối," bà Lan chia sẻ.
Một số ki-ốt đã chuyển sang các mặt bằng khác thay vì di chuyển vào chợ Lĩnh Nam để tiếp tục buôn bán. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN. |
Những tờ thông báo chuyển địa điểm được ghim ở cổng chợ cho khách hàng tìm tới địa điểm mới. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN. |
Vẫn còn lác đác một vài tiểu thương bày bán hàng hóa ngay vỉa hè đường Lĩnh Nam do đã dọn dẹp hết đồ đạc bên trong chợ. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN. |
Sau thời điểm thông báo dừng hoạt động, Ban quản lý chợ vẫn tạo điều kiện mở cửa chợ, để hỗ trợ các hộ tiểu thương thu xếp, di chuyển đến địa điểm kinh doanh mới.
Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận Hoàng Mai đã phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ cho 109 hộ tiểu thương theo văn bản số 577/TB-VP ngày 8/12/2020 của UBND thành phố Hà Nội. Trong đó đã có 77 hộ nằm trong giới chỉ giải phóng mặt bằng dự án có đơn đề nghị nhận tiền theo phương án bồi thường, hỗ trợ.
Đối với các ki-ốt có đầy đủ thủ tục pháp lý sau khi di dời sẽ được chính quyền hỗ trợ 6 tháng lương cơ bản (khoảng 9 triệu đồng). Ngoài ra, những ki-ốt có lát sàn, đổ nền sẽ được hỗ trợ thêm khoảng 1 triệu đồng.