Hai cổ phiếu từng đắt đỏ nhất sàn chứng khoán và cú trượt sâu năm 2022

L14 THAIHOLDINGS
21:17 - 01/01/2023
Cổ phiếu của Thaiholdings nằm trong top giảm giá mạnh nhất năm 2022.
Cổ phiếu của Thaiholdings nằm trong top giảm giá mạnh nhất năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, khi VN-Index giảm hơn 32% từ mức đỉnh hơn 1.500 điểm về vùng 1.000 điểm, hàng loạt cổ phiếu đã giảm tới 80-90%. Xét về mặt giá trị thì THD của CTCP Thaiholdings và L14 của CTCP Licogi 14 là 2 mã “rơi” mạnh nhất.

THD của CTCP Thaiholdings mở đầu phiên giao dịch năm 2022 ở vùng giá 260.000 đồng và kết phiên cuối năm ở mức giá 39.000 đồng. Như vậy sau 1 năm, cổ phiếu này đã giảm 221.000 đồng, tương ứng mức giảm 85%. Tức nhà đầu tư mua vào 1.000 cổ phiếu THD thời điểm đầu năm với giá trị 260 triệu đồng, nếu giữ đến thời điểm cuối năm thì chỉ còn lại 39 triệu đồng.

Chào sàn Hà Nội từ trung tuần tháng 6/2020 với giá tham chiếu chỉ 15.000 đồng/cp, THD ngay lập tức gây chú ý khi liên tục tăng trần 17 phiên liên tiếp. Dù vậy, nó không được quan tâm nhiều, cũng không nhiều nhà đầu tư lựa chọn tân binh này để giải ngân. Thanh khoản nhỏ giọt với vài vạn, vài nghìn, thậm chí vài trăm đơn vị mỗi phiên, đồng nghĩa rất ít nhà đầu tư được hưởng lợi từ quãng thăng hoa của THD - ngoài nhóm chủ lâu năm của Thaiholdings.

Sau giai đoạn tăng nóng, THD gần như đi ngang trong phần còn lại của năm 2020, trước khi trở lại “đường đua” vào đầu tháng 12, thời điểm chốt quyền mua ưu đãi cổ phiếu tỷ lệ 539:2.961, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Sau đó, THD mới thu hút giới đầu tư với thanh khoản gia tăng đột biến. Đỉnh cao của cổ phiếu này là phiên cuối cùng của năm 2021 với mức giá đóng cửa 277.000 đồng/cp, đứng vào hàng ngũ những cổ phiếu có giá đắt đỏ nhất trên sàn. Tính ra, chỉ sau 1 năm, THD đã tăng gấp 11 lần. Giá trị vốn hóa của Thaiholdings khi đó lên gần 97.000 tỷ đồng, lọt top 20 công ty giá trị nhất sàn chứng khoán.

Với việc lao dốc gần như thẳng đứng, giá trị vốn hóa Thaiholdings hiện nay chỉ còn 13.650 tỷ đồng (rời khỏi nhóm vốn hóa tỷ USD), tương ứng bốc hơi 83.350 tỷ đồng.

Diễn biến cổ phiếu THD.

Diễn biến cổ phiếu THD.

Cổ phiếu của Thaiholdings lao dốc cùng pha với kết quả kinh doanh. 9 tháng đầu năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt 3.424 tỷ đồng và 256 tỷ đồng, tương ứng giảm 43% và giảm 46% so với cùng kỳ.

Liên quan đến cổ phiếu THD, hồi giữa năm 2022,ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), anh trai Chủ tịch HĐQT Thaiholdings Nguyễn Văn Thuyết đã hoàn tất bán toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu THD (tương đương 25% vốn công ty) theo phương thức thỏa thuận trong ngày 13/6. Sau giao dịch, ông Thụy không còn là cổ đông tại doanh nghiệp mà mình sáng lập.

L14 của CTCP Licogi 14 “bốc hơi” 80% giá trị trong năm vừa qua, từ vùng giá 266.000 đồng/cp hồi đầu năm xuống 51.600 đồng trong phiên giao dịch cuối năm. Xét về mặt giá trị, L14 đã giảm tới 215.000 đồng.

Nhắc đến L14, nhà đầu tư hẳn không còn xa lạ bởi đây là cái tên đã “làm mưa, làm gió” trên thị trường hồi cuối năm ngoái. Cổ phiếu này bắt đầu chuỗi tăng nóng từ tháng 9/2021, khi giá đang giằng co quanh vùng 87.000-90.000 đồng/cp thì bật lên 300.000 đồng chỉ trong 3 tháng.

Đà tăng hạ nhiệt trong một tháng rồi lại tiếp tục vọt lên và chạm đỉnh 440.000 đồng (phiên 12/1/2022). Để mua khớp lệnh cổ phiếu này qua sàn Hà Nội, nhà đầu tư khi đó cần ít nhất khoảng 50 triệu đồng. Với mức giá như vậy, L14 đã vượt qua VEF, VCF để trở thành mã đắt đỏ nhất trên cả 3 sàn.

Nếu tính từ đỉnh 440.000 đồng về vùng đáy thấp nhất 18.000 đồng (phiên15/11/2022), L14 đã giảm tới 96% giá trị.

Cổ phiếu L14 "rơi" mạnh sau khi trở thành mã chứng khoán đắt đỏ nhất sàn.

Cổ phiếu L14 "rơi" mạnh sau khi trở thành mã chứng khoán đắt đỏ nhất sàn.

Sau khi chạm đáy, L14 lại tiếp tục "gây sốt" trên thị trường chứng khoán trong tháng 11/2022 với chuỗi 13 phiên tăng trần liên tiếp. Chốt phiên 2/12, cổ phiếu này tăng kịch biên độ lên mức 62.200 đồng/cp, tăng 244% so với đáy.

Trong văn bản giải trình ngày 29/11 gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UNBCKNN) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc cổ phiếu tăng trần liên tiếp từ 23/11 – 29/11, lãnh đạo L14 cho biết hiện tại doanh nghiệp vẫn đang hoạt động bình thường, không có biến động gì ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Theo đó, cổ phiếu L14 tăng mạnh nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty, do cung cầu của thị trường. Công ty cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, đảm bảo công khai, minh bạch và luôn tuân thủ các quy định của pháp luật.

Licogi 14 là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản và dịch vụ. Tuy nhiên năm 2021, lợi nhuận của công ty lại chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính. Cụ thể, L14 đạt doanh thu 166,77 tỷ đồng, tăng 42,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp đạt 75 tỷ đồng. Nhờ đột biến doanh thu tài chính 397 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt mức 371 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần L14 đạt 129 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ, song lỗ sau thuế hơn 15,6 tỷ đồng, cách rất xa so với mục tiêu lãi ròng 254 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 thông qua. Chi phí tài chính ghi nhận sau 9 tháng là 70 tỷ đồng, 98% trong số đó là trích lập dự phòng cho khoản 106 tỷ đồng đầu tư chứng khoán ngắn hạn.

Xét về mức độ giảm giá thì những cổ phiếu liên quan đến các cựu lãnh đạo doanh nghiệp đã bị bắt "rơi" mạnh nhất: ART, KLF (-89%), AMD (-87%) liên quan cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết; LDP (-86%), VKC (-87%) liên quan cựu Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân và TVB (-85%) liên quan đến cựu Chủ tịch Chứng khoán Trí Việt Phạm Thanh Tùng.

Danh sách giảm sâu còn có TBH của Tổng Công ty Bách Hóa khi mất 93% từ 97.000 đồng còn 6.500 đồng. Đây là doanh nghiệp có sự hiện diện trực tiếp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.