Báo cáo tổng kết tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Công, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cẩm Giàng cho biết, bão số 3 làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp; làm một số công trình hạ tầng bị sập mái, tốc mái, hư hỏng; nhiều cây xanh bị gãy đổ; công trình đê điều bị rò rỉ nước, công trình thủy lợi bị nước tràn bờ kênh; hệ thống giao thông bị chia cắt do cây đổ, sạt lở; cột điện bị gãy đổ, đứt dây gây mất điện; liên lạc viễn thông bị gián đoạn...
Về ảnh hưởng của lũ, trên địa bàn huyện có một tuyến đê hữu sông Thái Bình có tổng chiều dài là 3,679 km, có 3 cống dưới đê và 4 điếm canh đê. Ngoài đê chính còn có 42km bờ vùng Bắc Hưng Hải đi qua địa phận các xã Cẩm Điền, Cẩm Phúc, Cẩm Đông, Cẩm Đoài (thuộc sông Kim Sơn); Cẩm Hưng, Thị trấn Cẩm Giang, Tân Trường, Ngọc Liên, Lương Điền, Cẩm Phúc (thuộc sông Tràng Kỹ); Cẩm Văn, Cẩm Hoàng, Thạch Lỗi (thuộc sông Bùi), khi lũ lên cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Quang cảnh hội nghị. |
Tuyến đê sông Thái Bình bị ngâm nước lâu ngày làm đất trong thân đê bão hòa nước dẫn đến xuất hiện 2 sự cố thẩm lậu qua thân đê, 5 sự cố tràn bờ, sạt mái kênh Bắc Hưng Hải gây ngập cục bộ ở một số xã, thị trấn gồm Cẩm Đông, Cẩm Hưng, Lương Điền, Cẩm Giang, Cẩm Đoài; 3 sự cố bờ vùng và ngoài bờ vùng sông Bùi (kênh dẫn Trạm bơm Văn Thai A), gồm các xã Cẩm Văn, Cẩm Hoàng, Thạch Lỗi...
Thiệt hại trên 533,18 tỷ đồng
Trước tình hình và diễn biến đó, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện luôn xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, kịp thời, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Tổ chức triển khai thực hiện ngay Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các công điện, công văn chỉ đạo của tỉnh, của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các bộ, ngành.
Đồng thời, chủ động, tích cực, đồng bộ, quyết liệt và tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phân công, xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) gắn với xây dựng cộng đồng an toàn; chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra sâu sát việc ứng phó với bão và mưa lũ sau bão gây ra; lãnh đạo UBND huyện ứng trực 24/24 giờ…
Ông Trần Văn Quyết, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng phát biểu tại hội nghị. |
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã đã chủ động họp, thống nhất phương án ứng phó với bão và lũ. Chấp hành và thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của tỉnh, của huyện, chủ động sẵn sàng đối phó với mọi tình huống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Thường xuyên thông tin trên hệ thống loa truyền thanh về tình hình, diễn biến của bão, lũ...
Về công tác ứng phó với bão, huyện đã kịp thời ban hành nhiều công điện và văn bản chỉ đạo ứng phó; xây dựng phương án cụ thể ứng phó với bão; phân công các thành viên lãnh đạo bám sát hiện trường để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão; chuẩn bị vật tư, nhân lực; chằng chống nhà cửa, kho tàng, chặt tỉa cây xanh; cấm một số tuyến đường, ưu tiên xử lý ngay các tuyến đường trọng yếu, huyết mạch; cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn…
Ông Trần Văn Quyết, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng trao tặng khen thưởng cho đại diện các tập thể. |
Về công tác ứng phó với lũ, lực lượng vũ trang đã huy động trên 300 (lượt) cán bộ, chiến sỹ trợ giúp nhân dân phòng, chống bão, di chuyển người, tài sản tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; tham gia cứu hộ, cứu nạn. Tổ chức di chuyển lực lượng tại các xã Cao An, Định Sơn, thị trấn Lai Cách để hỗ trợ cho công tác khắc phục sự cố tràn bờ kênh Bắc Hưng Hải tại 2 xã Cẩm Điền Cẩm Hưng và Cẩm Đông.
Trong đó, tổ chức di dời 428 hộ với trên 1.205 người (trong tổng số 3.515 hộ với 9.888 người cần di dời) đến nơi an toàn; bố trí lực lượng để tuần tra, canh gác bảo vệ đê toàn tuyến 24/24 giờ; đã xử lý xong 2 sự cố thẩm lậu qua thân đê, xử lý xong 5 sự cố tràn bờ, sạt mái kênh Bắc Hưng Hải…
Theo số liệu Thống kê từ UBND các xã, thị trấn, các đơn vị có liên quan, ước thiệt hại do bão lũ trên địa bàn huyện Cẩm Giàng khoảng hơn 533,18 tỷ đồng.
Trong đó, về sản xuất nông nghiệp thiệt hại ước tính trên 151,38 tỷ đồng. Về nhà ở ước thiệt hại hơn 14,505 tỷ đồng. Về giao thông, đoạn đường bê tông đi ra nghĩa địa thôn Quý Dương - xã Tân Trường bị sụt lún khoảng gần 20m dài sau bão; có 36 biển báo an toàn giao thông trên các tuyến đường huyện, đường xã bị gãy đổ, ước thiệt hại trên 50,58 triệu đồng.
Về giáo dục, ước thiệt hại hơn15,5 tỷ đồng. Về y tế, ước thiệt hại trên 0,492 tỷ đồng. Về Văn hoá, thông tin, truyền thanh, ước thiệt hại trên 4,737 tỷ đồng. Về lĩnh vực công nghiệp, ước thiệt hại hơn 199,186 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cẩm Giàng trao tặng khen thưởng cho các cá nhân. |
Trong lĩnh vực môi trường, do mưa bão đã làm gãy đổ cây cối và chìm ở các khu vực có hệ thống kênh mương, ao hồ... làm nước có màu đen, mùi hôi thối; mặt khác nước từ thượng nguồn đổ về đã làm gia tăng lượng nước thải khu vực gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh trên địa bàn huyện…
Ngay sau đó, công tác khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra được huyện Cẩm Giàng tích cực thực hiện. Cụ thể, đối với đê điều, có 2 sự cố thẩm lậu qua thân đê bờ Hữu sông Thái Bình, đã được theo dõi và xử lý kịp thời. Đối với công trình thủy lợi, trên địa bàn huyện có 5 sự cố tràn bờ, sạt mái kênh Bắc Hưng Hải gây ngập cục bộ các xã gồm Cẩm Đông, Cẩm Hưng, Lương Điền, Cẩm Đoài và thị trấn Cẩm Giang; 3 sự cố bờ vùng và ngoài bờ vùng sông Bùi (kênh dẫn Trạm bơm Văn Thai A) gồm các xã Cẩm Văn, Cẩm Hoàng, Thạch Lỗi... đã được khắc phục kịp thời.
Tuy nhiên, theo đánh giá, trên địa bàn huyện, một số cá nhân, đơn vị còn chủ quan trong công tác cập nhật thông tin diễn biến tình hình dự báo, cảnh báo bão lũ có thể xảy ra trên địa bàn; Việc thực hiện chế độ trực ban tại một số xã có lúc chưa nghiêm túc, việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo của các xã, thị trấn còn chưa kịp thời; một số bộ phận cán bộ còn bàng quang, thờ ơ về công tác phòng chống bão, lũ…
Khôi phục các hoạt động sản xuất để sớm ổn định đời sống nhân dân
Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Trần Văn Quyết, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng biểu dương tinh thần, trách nhiệm cùng sự cố gắng của nhân dân và cán bộ huyện nhà trong công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra.
Với sự quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng sự nỗ lực của nhân dân trong toàn huyện, trên địa bàn toàn huyện không có thiệt hại về con người.
Huyện đã khắc phục được sự cố về điện, sự cố viễn thông trong thời gian nhắn nhất; xử lý được 2 sự cố thẩm lậu qua thân đê, xử lý được 5 sự cố tràn bờ, sạt mái kênh Bắc Hưng Hải.
“Phải khẳng định rằng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đoàn kết quả nhân dân và cán bộ toàn huyện đã góp phần thắng lợi trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện”, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng nhấn mạnh.
Để khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra, tại hội nghị này thay mặt lãnh đạo huyện, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng Trần Văn Quyết yêu cầu thủ trưởng các phòng ban, đơn vị và chủ tịch UBND các xã, thị trấn cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, đối với UBND các xã, thị trấn, từ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và mưa lũ diện rộng kéo dài vừa qua, khẩn trương kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các lực lượng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên từng xã, thị trấn, đặc biệt cần rà soát phương án sơ tán dân phù hợp với từng địa phương để đảm bảo an toàn trong chỉ đạo, ứng phó với thiên tai.
Đồng thời, tập trung cán bộ, công chức hướng dẫn nông dân thực hiện thủ tục hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra theo đúng quy định; ưu tiên khắc phục thiệt hại về nhà cửa, trường học... khôi phục các hoạt động sản xuất để sớm ổn định đời sống nhân dân; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra; rà soát, xây dựng bổ sung phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát với thực tế và cụ thể hơn…
Ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng trao tặng khen thưởng cho các cá nhân. |
Đối với các phòng, ban, ngành, đơn vị, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cụ thể theo ngành, lĩnh vực; khi có tình huống thiên tai, bão lũ chủ động được phương án…
Tại hội nghị UBND huyện Cẩm Giàng cũng có những đề xuất, kiến nghị với Trung ương và UBND tỉnh Hải Dương. Cụ thể, UBND huyện Cẩm Giàng đề nghị Trung ương, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải quan tâm tu bổ mặt đê; kè các điểm xung yếu thuộc bờ kênh Bắc Hưng Hải, cải tạo nâng cấp các điếm canh đê, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc ứng phó, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
UBND huyện Cẩm Giàng cũng đề nghị UBND tỉnh Hải Dương có cơ chế, chính sách hỗ trợ khắc phục, khôi phục các hoạt động sản xuất liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; hoạt động thương mại, dịch vụ… Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành và các đơn vị có liên ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do bão, lũ gây ra trên địa bàn để sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân…
Tại hội nghị, UBND huyện Cẩm Giàng cũng đã công bố quyết định khen thưởng và trao thưởng cho 26 tập thể, 33 cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra.