Theo UBND thành phố Chí Linh, ngay sau khi cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào thành phố Chí Linh (Hải Dương) từ chiều ngày 7/9 với cường độ gió mạnh cấp 12, giật trên cấp 13, thời gian bão kéo dài, sau đó là nhiều trận mưa lớn dẫn đến các tuyến sông trên địa bàn nước lũ lên nhanh, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, toàn bộ hệ thống chính trị các cấp và nhân dân trên địa bàn thành phố Chí Linh đã tập trung thực hiện các biện pháp ứng phó với diễn biến của bão, lũ.
Hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản
Cụ thể, UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Chí Linh đã triển khai các phương án phòng chống thiên tai đã được phê duyệt, xây dựng và phê duyệt phương án sơ tán nhân dân đối với tình huống lũ trên các sông dâng cao gây ngập lụt, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra; triển khai ngay các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của của cấp trên; kịp thời ban hành các chỉ đạo của cấp ủy, UBND thành phố đến UBND xã, phường, các cơ quan, đơn vị, để kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân trên địa bàn.
Đồng thời, phân công các thành viên là lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp từng công tác cụ thể, bao gồm công tác di dời người, tài sản, hậu cần phục vụ di dời; xử lý các sự cố đê điều, phân vùng tiêu lũ, tiêu úng; thông tin liên lạc, thông tin tuyên truyền, khám chữa bệnh, cung ứng thuốc, vật tư y tế, an sinh xã hội; bố trí vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhân lực sẵn sàng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất. Các thành viên là Thành ủy viên, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố phụ trách các địa bàn trực tiếp xuống hiện trường để kiểm tra, lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương thực hiện nhiệm vụ.
Một Hợp tác xã trên địa bàn thành phố Chí Linh đang xử lý lại đất, cây trồng, vật nuôi tại nhà màng, nhà lưới sau bão lũ, ngập úng. |
Bên cạnh đó, lập phương án di dời khi có tình trạng khẩn cấp, tuyên truyền vận động nhân dân vùng không bị ảnh hưởng chuẩn bị đón người dân di dời theo phương châm 4 tại chỗ, theo đó có thể đảm bảo di dời 30.000 người với gần 10.000 hộ đảm bảo các điều kiện an toàn, lâu dài không cần sự hỗ trợ về vật chất của chính quyền.
Thực hiện di dời và bảo đảm an toàn tính mạng, quản lý tài sản 259 người, trong đó 110 người thuộc khu dân cư 11, 12 (phường Phả Lại); 4 người thuộc khu dân cư Kênh Mai 2 (phường Văn Đức); 25 người thuộc khu dân cư Vọng Thúc (phường Tân Dân); 120 người thuộc thôn Chí Linh 3 (xã Nhân Huệ).
Ngoài ra, bố trí lực lượng để tuần tra, canh gác bảo vệ đê toàn tuyến 24/24 giờ. Tại các địa điểm đê xung yếu đã, đang xử lý và mới phát hiện phải thực hiện phân ca trực cụ thể cho từng người đối với từng điểm để theo dõi diễn biến, thông tin báo cáo tình hình kịp thời; huy động lực lượng công an, quân đội, dự bị động viên cùng các lực lượng hiệp đồng của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn trợ giúp nhân dân, địa phương phòng, chống lũ; xử lý 11 sự cố đê điều, xử lý 5 khu vực bị nước tràn qua bờ vùng, bờ kênh, sạt lở mang cống…
Qua rà soát, đánh giá, thống kê thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn thành phố Chí Linh, tổng thiệt hại do bão số 3 và lũ, ngập úng gây ra trên địa bàn thành phố Chí Linh là 512,52 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về nhà ở khoảng 48,83 tỷ đồng; về giáo dục thiệt hại hơn 37,64 tỷ đồng; thiệt hại về nông, lâm nghiệp trên 273,37 tỷ đồng; chăn nuôi thiệt hại hơn 24,44 tỷ đồng; thiệt hại về thủy sản trên 39,68 tỷ đồng; công nghiệp thiệt hại khoảng 41,48 tỷ đồng; các công trình khác thiệt hại hơn 30 tỷ đồng…
Bố trí lực lượng hỗ trợ nhân dân
Về công tác khắc phục hậu quả, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Ban Thường vụ Thành ủy, công tác khắc phục được thành phố Chí Linh thực hiện khẩn trương, nhanh chóng. Thành phố đã kịp thời quan tâm, động viên, thăm hỏi, hỗ trợ đời sống của người dân đặc biệt là các đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế, người bị thương do mưa bão gây ra.
Cùng với đó, tập trung hướng dẫn kỹ thuật, chỉ đạo các địa phương khôi phục sản xuất, khắc phục nhanh hậu quả sớm ổn định sản xuất; Chỉ đạo Ban quản lý dự án thành phố, các xã, phường, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai phương án trồng thay thế, bổ sung cây xanh bị gãy, đổ, trong đó những cây xanh còn sống tận dụng trồng lại.
Bố trí lực lượng bộ đội, công an hỗ trợ nhân dân tu sửa nhà cửa, chặt hạ các cây xanh bị gãy đổ, dọn dẹp các trường học, cơ sở y tế và công trình công cộng bị sự cố; di dời nhân dân ngoài vùng nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn; khắc phục các sự cố về đê điều, thủy lợi. Giải tỏa các vật cản đảm bảo giao thông thông suốt; chỉ đạo Công an thành phố bố trí lực lượng thực hiện phân luồng giao thông. Triển khai kịp thời xử lý, sửa chữa các sự cố hệ thống công trình điện để cấp điện phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt; kịp thời khắc phục các sự cố viễn thông để phục vụ thông tin liên lạc.
Người dân thành phố Chí Linh dựng lại nhà xưởng, kho bãi sau bão số 3. |
Đồng thời, rà soát, lập danh mục các công trình cần thực hiện sửa chữa, khắc phục khẩn cấp để sớm đưa vào hoạt động (trường học, cơ sở y tế, cơ sở bảo trợ xã hội...) và bố trí nguồn lực để thực hiện xử lý khẩn cấp; các công trình khác lập danh mục triển khai thực hiện theo quy định. Đảm bảo thuốc khám, chữa bệnh cho người dân; triển khai phương án phòng chống dịch bệnh; cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu, thuốc chữa bệnh... cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng bảo trợ xã hội.
Ngoài ra, UBND thành phố Chí Linh đã chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Chí Linh thực hiện bơm tiêu nước kịp thời để bảo vệ sản xuất; sửa chữa trụ sở, vệ sinh môi trường tại cơ quan, đơn vị; cưa, chặt thu dọn cây bị gãy, đổ để đảm bảo giao thông; triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị ảnh hưởng do bão…
Tiếp tục thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại
Chia sẻ với Mekong ASEAN, bà Nguyễn Thị Non, một nông dân tại khu dân cư số 2, phường Phả Lại (thành phố Chí Linh) cho biết, nhà bà có 8 sào (Bắc Bộ) trồng lúa và một số diện tích trồng cây ăn quả, rau màu.
“Lúa nhà tôi sau bão và những trận mưa sau bão làm cho đòng đòng bị dập, bây giờ hạt thóc bị lép. Như năm trước mỗi sào lúa được hơn 1,7 tạ thóc, nhưng năm chỉ được 1,2 tạ”, bà Non cho biết thêm.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Non, bên cạnh lúa của nhà bà và một số diện tích trồng lúa ở khu vực lân cận bị ảnh hưởng do bão và ngập úng, một số cây ăn quả như vải, chuối cũng bị đổ gãy. Bên cạnh đó, các vườn trồng cây rau màu bị dập nát, những chỗ rau màu còn nhỏ, mới gieo hạt bị trôi… toàn bộ rau màu phải gieo trồng lại.
Thông tin về biện pháp khắc phục hậu quả trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Chí Linh cho biết, thành phố tiếp tục thực hiện thống kê, đánh giá chính xác tình hình thiệt hại do bão, lũ gây ra; nghiên cứu sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp trên địa bàn thành phố để sớm hỗ trợ khắc phục hậu quả.
Nông dân thành phố Chí Linh thu hoạch lúa, chuẩn bị ruộng đồng cho cây trồng vụ đông. |
Đồng thời, thực hiện rà soát thiệt hại về nhà ở, chuẩn bị kinh phí để khắc phục xây mới cho các đối tượng chính sách xã hội, hộ nghèo nếu nhà ở không đảm bảo an toàn. Hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác để ổn định đời sống các đối tượng bảo trợ xã hội, thực hiện các biện pháp quản lý, cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường; chủ động sửa chữa cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý… để đảm bảo vận hành và làm việc bình thường.
Lập và triển khai các dự án sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình thủy lợi, đê điều (tập trung xử lý các trọng điểm xung yếu để xóa bỏ trọng điểm đảm bảo an toàn cho công tác phòng, chống lụt bão, thiên tai); thực hiện các dự án sửa chữa công trình giao thông, công trình hạ tầng công cộng bị thiệt hại. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai…
Cũng theo đại diện lãnh đạo UBND thành phố Chí Linh, thành phố đang tập trung huy động nguồn lực từ ngân sách của thành phố, nguồn vốn của doanh nghiệp, nguồn vốn xã hội hóa và nguồn lực từ nhân dân… với tổng kinh phí là 423 tỷ đồng. Tuy nhiên, thiệt hại của cơn bão số 3 và lũ là rất lớn, UBND thành phố đề nghị UBND tỉnh quan tâm, hỗ trợ thành phố thêm kinh phí để thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn Chí Linh.