Hòa Phát: Sản lượng thép xây dựng tháng 9 giảm do tiêu thụ gặp khó

HÒA PHÁT Ngành Thép
12:03 - 07/10/2022
Sản lượng xuất khẩu đã vượt 1 qua triệu tấn, tương đương cả năm 2021.
Sản lượng xuất khẩu đã vượt 1 qua triệu tấn, tương đương cả năm 2021.
0:00 / 0:00
0:00
Sản lượng bán hàng thép xây dựng của Hòa Phát trong tháng 9 sụt giảm so với cùng kỳ 2021, tuy nhiên lũy kế 9 tháng đầu năm vẫn tăng 24%, nhờ sự đóng góp đáng kể của thị trường xuất khẩu.

Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) vừa cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh tháng 9/2022, theo đó trong tháng, doanh nghiệp đã sản xuất 540.000 tấn thép thô, sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 555.000 tấn. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 228.000 tấn, tăng 29% so với cùng kỳ. Thép xây dựng ghi nhận 318.000 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ.

Theo thông tin từ Hòa Phát, trong tháng 9, nhu cầu thị trường chung thấp kết hợp với mưa bão diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ thép xây dựng gặp khó khăn. Dù vậy, sản lượng bán hàng ống thép Hòa Phát lại khả quan hơn khi đạt gần 76.000 tấn, tăng 94% so với cùng kỳ. Sản lượng tôn mạ tại thị trường trong nước cũng tăng trưởng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2021.

Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đã sản xuất hơn 6 triệu tấn thép thô, tương đương cùng kỳ 2021. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, HRC và phôi thép đạt 5,7 triệu tấn, tăng 3% so với 9 tháng 2021.

Trong đó, thép xây dựng ghi nhận 3,4 triệu tấn sau 9 tháng, tăng 24%. Con số này có sự đóng góp đáng kể của thị trường xuất khẩu. Sản lượng xuất khẩu đã vượt 1 qua triệu tấn, tương đương cả năm 2021 và đóng góp 30% tổng lượng thép xây dựng Hòa Phát cung cấp ra thị trường. Hiện nay, Hòa Phát đang xuất khẩu thép tới trên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Với dòng sản phẩm thép cuộn cán nóng, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hơn 2 triệu tấn, tăng 5% so với 9 tháng 2021 và đóng góp 36% sản lượng của chung của Hòa Phát thời gian qua. Sản phẩm hạ nguồn HRC là ống thép đạt 577.000 tấn, tăng 16%; tôn mạ các loại ghi nhận 249.000 tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Kể từ tháng 5 đến nay, giá thép trong nước đã điều chỉnh giảm 15 lần, với tổng mức giảm khoảng 3.600- 3.850 đồng/kg tuỳ thuộc từng doanh nghiệp và từng chủng loại sản phẩm. Thời gian gần đây, giá thép mới nhích tăng trở lại.

Theo các chuyên gia dự báo, nhu cầu nội địa yếu, giá thép giảm trước đó có thể khiến nhà đầu tư dễ tiếp cận với các công trình đầu tư công đã được phê duyệt hơn, nhưng phụ thuộc vào tiến độ giải ngân các dự án. Đồng thời, tình trạng thiếu hụt năng lượng có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn tại châu Âu khiến một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng phải cắt giảm sản lượng, bao gồm sản xuất thép.

Ngành thép vẫn đang chờ tín hiệu tích cực, cộng thêm việc thị trường chứng khoán diễn biến xấu thời gian qua nên cổ phiếu HPG của Hòa Phát đã trôi về mức đáy mới. Kết phiên sáng 7/10, mã dừng ở mức giá 17.350 đồng/cp, vùng giá thấp nhất kể từ tháng 11/2020.

So với mức đỉnh 43.000 đồng hối tháng 10/2021 (giá đã điều chỉnh sau khi chia cổ tức), HPG đã mất giá gần 60%; tương đương vốn hóa bị thổi bay hơn 150.000 tỷ đồng (xấp xỉ 6,4 tỷ USD), còn chưa đến 100.887 tỷ đồng và lùi về cuối bảng trong top 10 vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán.

Một trong những yếu tố gây áp lực lớn lên giá cổ phiếu HPG từ đầu tháng 10 là động thái quay đầu bán ròng của khối ngoại. Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đã nối dài chuỗi bán ròng HPG lên 6 phiên liên tiếp. Chỉ riêng 4 phiên giao dịch đầu tháng 10, giá trị bán ròng của khối ngoại trên cổ phiếu này đã lên đến gần 700 tỷ đồng. Còn tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã “xả” gần 6.000 tỷ đồng cổ phiếu HPG.

Tin liên quan

Đọc tiếp