Quang cảnh cuộc họp ngày 10/6 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: AFP |
Theo Reuters, nghị quyết ủng hộ kế hoạch ngừng bắn 3 giai đoạn tại Dải Gaza đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua vào ngày 10/6, với 14/15 phiếu thuận từ 14 nước thành viên, một phiếu trắng của Nga và không có phiếu chống. Kế hoạch ngừng bắn do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra vào ngày 31/5 và được ông mô tả là sáng kiến của Israel.
Nghị quyết cho biết Israel đã chấp nhận kế hoạch, kêu gọi Hamas cũng đồng ý; đồng thời “kêu gọi cả hai bên thực hiện đầy đủ các điều khoản của mình một cách không chậm trễ và vô điều kiện”.
“Hôm nay chúng ta đã bỏ phiếu cho hòa bình,” Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield phát biểu sau khi bỏ phiếu.
Đại sứ Algeria tại Liên Hợp Quốc Amar Bendjama tuyên bố ủng hộ nghị quyết này bởi vì “chúng tôi tin rằng nó có thể là một bước tiến tới một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài. Algeria là thành viên Ả Rập duy nhất tại Hội đồng Bảo an. “Nó mang lại một tia hy vọng cho người Palestine. Đã đến lúc dừng việc giết chóc,” ông Bendjama nói.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia nói rằng nghị quyết có “những thông số mơ hồ”. “Chúng tôi không muốn ngăn chặn nghị quyết chỉ vì theo như chúng tôi thấy, nó được thế giới Ả Rập ủng hộ”.
Khung cảnh đổ nát tại trại tị nạn Nuseirat ở trung tâm Gaza, ngày 9/6. Ảnh: Reuters |
Về phía đại diện Israel tại Liên Hợp Quốc, nhà ngoại giao Reut Shapir Ben Naftaly tuyên bố các mục tiêu của nước này ở Gaza luôn rõ ràng. “Israel cam kết thực hiện những mục tiêu: giải phóng tất cả con tin, tiêu diệt khả năng quản lý và quân sự của Hamas, đồng thời đảm bảo rằng Gaza không gây ra mối đe dọa cho Israel trong tương lai,” bà Naftaly nhấn mạnh.
Người phát ngôn của Tổng thống Palestine Nabil Abu Rudeineh ngày 10/6 cho biết Tổng thống đồng ý với bất kỳ nghị quyết nào kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và duy trì sự thống nhất đất đai của người Palestine.
Về phía Hamas, lực lượng này cho biết họ hoan nghênh nghị quyết của Hội đồng Bảo an về việc kêu gọi chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch ở Gaza.
Hamas tuyên bố sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán gián tiếp để thực hiện các biện pháp đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua, bao gồm “rút toàn bộ lực lượng Israel khỏi Dải Gaza, trao đổi tù nhân, tái thiết, đưa những những người phải di tản về khu vực cư trú, từ chối bất kỳ thay đổi hoặc cắt giảm nhân khẩu học nào trong khu vực Dải Gaza và cung cấp viện trợ cần thiết cho người dân ở Dải Gaza”.
Dự thảo nghị quyết về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn tại Gaza được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố ngày 31/5. Ông cho biết đề xuất này sẽ bắt đầu bằng lệnh ngừng bắn ban đầu kéo dài 6 tháng giữa Israel và Hamas. Trong giai đoạn này, hai bên trao đổi con tin và tù nhân Palestine, Israel rút quân khỏi các khu vực đông dân cư ở Gaza và đưa thường dân Palestine trở lại mọi khu vực trên lãnh thổ Gaza.
Giai đoạn một cũng yêu cầu phân phối an toàn hàng viện trợ nhân đạo “trên quy mô khắp Dải Gaza”, với khoảng 600 xe tải chở hàng viện trợ vào khu vực này mỗi ngày.
Trong giai đoạn hai, dự thảo nghị quyết đề cập đến thỏa thuận giữa Israel và Hamas, trong đó yêu cầu các bên “sự chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch, để đổi lấy việc thả tất cả các con tin khác vẫn còn ở Gaza và việc rút toàn bộ lực lượng Israel khỏi Gaza”.
Giai đoạn ba sẽ khởi động “một kế hoạch tái thiết lớn kéo dài nhiều năm cho Gaza và trao trả hài cốt của bất kỳ con tin nào đã thiệt mạng còn ở Gaza”.
Cuộc xung đột tại Dải Gaza nổ ra sau khi Hamas thực hiện cuộc tấn công quy mô lớn vào lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023, khiến hơn 1.200 người thiệt mạng và hơn 250 người bị bắt làm con tin. Israel sau đó đã thực hiện các cuộc tấn công trả đũa vào Gaza nhằm tiêu diệt toàn bộ lực lượng Hamas.
Cho đến nay, hơn 100 con tin được cho là vẫn đang Hamas bị giam giữ ở Gaza. Theo Cơ quan y tế Gaza, các cuộc tấn công của Israel vào khu vực này đã khiến hơn 37.000 người Palestine thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Cuộc chiến đã cắt đứt phần lớn nguồn cung cấp thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm khác cho người dân Palestine, khiến Dải Gaza này đang đối mặt với nguy cơ nạn đói lan rộng. Các cơ quan của Liên Hợp Quốc cảnh báo có hơn 1 triệu người ở Gaza có thể phải chịu nạn đói ở mức độ cao nhất vào giữa tháng 7.