HPG tiến sát mốc 27.000 đồng/cp, nhóm APEC lại nằm sàn

HPG VN INDEX
15:52 - 05/07/2023
HPG tăng mạnh và dẫn đầu thanh khoản thị trường.
HPG tăng mạnh và dẫn đầu thanh khoản thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Sau vài phiên tích lũy, cổ phiếu đầu ngành thép HPG lại tăng mạnh, bước lên vùng giá cao nhất kể từ tháng 5/2022. Bộ ba cổ phiếu họ APEC sau phiên “giải cứu” hôm qua lại đồng loạt giảm sàn.

VN-Index kết phiên 5/7 ở mốc 1.134,62 điểm, tăng 2,6 điểm so với kết phiên hôm qua. HNX-Index và UPCoM đều ở chiều giảm. Thanh khoản duy trì ở mức cao, với hơn 19.500 tỷ đồng được giao dịch.

Khối ngoại cũng mua bán sôi động với hơn 2.500 tỷ đồng được giao dịch. Họ mua ròng trở lại 183 tỷ đồng trên sàn HoSE, sau phiên bán ròng hôm qua. HPG vẫn là cái tên được săn đón nhất, với giá trị mua ròng 120 tỷ đồng. Cổ phiếu dòng dệt may TCM cũng bất ngờ được mua ròng hơn 76 tỷ đồng. Danh sách tiếp theo còn có DGC, GEX, CTG, VHC, VRE, DCM, VHM, DBC…

Chiều bán ròng, 2 mã dẫn đầu là chứng chỉ quỹ FUEVFVND và VCB, cùng bị bán ròng hơn 49 tỷ đồng. PNJ và VPB cũng bị bán ròng hơn 40 tỷ đồng. KBC, MWG, VIC, TPB, HDB, POW… cũng nằm trong danh sách bán ròng của khối ngoại.

HPG và VCB là hai mã có tác động tích cực đến chỉ số khi tăng lần lượt 2,7% và 2%. VCB vẫn đang giằng co ở vùng đỉnh trên 100.000 đồng/cp. Cổ phiếu của Vietcombank hiện vẫn là mã có vốn hóa lớn nhất thị trường, đạt hơn 482.000 tỷ đồng.

HPG chốt phiên ở mức giá 26.950 đồng/cp. Đây là mức giá cao nhất của cổ phiếu Hòa Phát kể từ tháng 5/2022. Trong giai đoạn ngắn từ cuối tháng 5 đến nay, HPG đi lên chắc chắn với mức tăng gần 30%. Còn so với vùng đáy hồi tháng 11/2022 thì mã đã tăng 125%.

Ngoài HPG và VCB thì trong nhóm VN30 còn có PDR cũng tăng 2,1%, PLX, VIB và VPB tăng hơn 1%. Các mã còn lại điều chỉnh tăng, giảm không đáng kể, chỉ trên dưới 1%.

Với sự dẫn dắt của HPG, nhóm vật liệu xây dựng tăng tốt nhất phiên hôm nay. HSG và NKG cũng tăng nhẹ 0,6% và 1,1%.

Các nhóm còn lại điều chỉnh không nhiều. Nhóm ngân hàng kết phiên trong sắc xanh chủ yếu nhờ VCB. BID, CTG, VPB, MBB, STB chỉ tăng giá nhẹ. TCB, ACB, HDB, TPB, SHB… giảm giá nhưng không đáng kể.

Nhóm bất động sản bị kéo xuống do VIC, VHM, BCM, NVL, KBC, DIG, DXG… đồng loạt giảm giá, nhưng mức giảm mạnh nhất chỉ hơn 1%. Các mã ở chiều tăng là VRE, KDH, NLG, PDR, VPI…, với mức tăng mạnh nhất thuộc về PDR +2%.

Nhóm chứng khoán cũng giống nhóm bất động sản, bị kéo xuống bởi các mã lớn SSI, VND, VCI, HCM, SHS, FTS, CTS… Giảm mạnh nhất là VND -1,5%. Chiều tăng có BSI, MBS, VDS, ORS… VIX đứng tham chiếu với thanh khoản sôi động nhất toàn nhóm, đạt 21,8 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu APEC gồm API, APS, IDJ sau phiên được “giải cứu” lại bị bán mạnh. APS và IDJ đều nằm sàn khi kết phiên, nhưng vẫn khớp lệnh 6,2 triệu đơn vị và 8,8 triệu đơn vị. Hai mã dư bán sàn khoảng 1,6 triệu đơn vị, khả quan hơn nhiều so với các phiên “trắng thanh khoản” trước.

API cũng giảm sát sàn 8%, khớp lệnh 5,7 triệu đơn vị.

Nhìn chung trong phiên hôm nay, việc tiến gần vùng đỉnh gần nhất quanh 1.140 điểm khiến dòng tiền mua mới thận trọng hơn. Đây cũng chính là kháng cự gần nhất mà chỉ số cần vượt qua trong tuần này nếu muốn duy trì sự lạc quan nơi nhà đầu tư, qua đó làm bàn đạp để thị trường tiến về mức mục tiêu 1.200 điểm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.