Phố Wall có một năm 2022 vui buồn lẫn lộn. Ảnh: AP |
Dù tình hình Phố Wall tương đối ảm đạm trong năm 2022, thị trường chứng khoán vẫn có những kẻ thắng cuộc và những người thua cuộc. Đối với khá nhiều công ty trong lĩnh vực năng lượng - lĩnh vực ghi nhận nhiều sự tăng trưởng nhất trong năm vừa qua - năm 2022 chắc chắn là một năm thắng đậm.
Theo CNN, giá dầu và khí đốt tăng vọt vẫn luôn là các chủ đề được bàn luận sôi nổi, đặc biệt khi nó là một trong các yếu tố chính góp phần lớn nhất vào tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ tại các quốc gia. Tình hình thị trường năng lượng vốn đã u ám sau đại dịch Covid-19 lại càng u ám hơn do ảnh hưởng của chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành tại Ukraine.
Các căng thẳng khiến giá năng lượng tăng vọt là một tin xấu với người tiêu dùng nhưng lại là tin tốt cho ngành năng lượng. Tuy giá đã giảm trong những tuần cuối năm 2022, chúng vẫn cao hơn so với các năm trước đó và chính điều này đã góp phần mang lại lợi nhuận kỷ lục tại các công ty năng lượng lớn. Ngành năng lượng báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận hàng năm cao nhất trong tất cả 11 ngành, ở mức 137,3%.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, thu nhập ròng của các nhà sản xuất dầu khí toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2022 lên mức kỷ lục 4.000 tỷ USD. Riêng trong quý III/2022, 81% các công ty năng lượng trong S&P 500 đều báo cáo thu nhập trên mức dự đoán, ghi nhận tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ lĩnh vực nào theo dữ liệu của Factset.
Về chi tiết, Occidental Petroleum chính là nhà chiến thắng của thị trường cổ phiếu năm 2022 khi cổ phiếu của công ty ghi nhận mức tăng 122% - mức tăng cao nhất trong S&P 500.
Các tập đoàn năng lượng khác lần lượt chiếm các vị trí theo sau, ví dụ như Constellation Energy đứng ở vị trí thứ 2 với mức tăng 109% và Hess đứng thứ 3 với mức tăng 94%. Các tập đoàn năng lượng nằm trong top 10 đều là những cái tên quen thuộc như Marathon Oil, Exxon, Schlumberger, APA, First Solar, Halliburton và Marathon oil khi cổ phiếu của tất cả đều tăng khoảng 70% đến 80% trong năm 2022.
Tesla cùng với Meta và một số tập đoàn công nghệ khác là các cổ phiếu hoạt động kém nhất trong năm 2022. |
2022 là năm thắng đậm của các tập đoàn năng lượng, nhưng các tập đoàn công nghệ tại Thung lũng Silicon lại không được như vậy. Trước đó và đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch, các tập đoàn công nghệ khổng lồ đã đạt được những thành công lớn trong vòng 1 thập kỷ qua nhờ lãi suất thấp và lạm phát thấp.
Tuy nhiên tới năm 2022 khi lạm phát tăng vọt buộc nhiều ngân hàng trung ương phải nâng lãi suất, giá cổ phiếu công nghệ sụt giảm mạnh. Trong chỉ số S&P 500, cổ phiếu của công ty giải pháp công nghệ năng lượng Generac Holdings là cổ phiếu hoạt động kém nhất khi giảm khoảng 74%. Đứng thứ 2 là công ty ứng dụng hẹn hò Match Group với cổ phiếu giảm 70%.
Nhà sản xuất xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk cũng nằm trong top đầu khi giảm tới 70%, khiến công ty xe điện này trở thành công ty hoạt động kém thứ 3 trong năm nay. Xuất hiện trong top 10 cổ phiếu hoạt động kém nhất năm 2022 còn có Meta, công ty mẹ của Facebook với cổ phiếu giảm 65%.
Ngay cả Apple - tập đoàn công nghệ được coi như linh hoạt hơn nhiều so với các tập đoàn khác trong ngành - cũng ghi nhận cổ phiếu giảm 31% trong năm 2022.
Các sự thay đổi này là vô cùng đáng kể, đặc biệt là khi mới chỉ đầu năm 2022, Tesla là công ty có giá trị lớn thứ 5 trong S&P 500 và Meta đứng thứ 6. Nhìn chung, các gã khổng lồ công nghệ mất gần 4.000 tỷ USD giá trị thị trường vào năm 2022, trong đó các cổ phiếu công nghệ hoạt động kém nhất trong S&P 500 chiếm khoảng 1.600 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, Phố Wall đang hy vọng thị trường sẽ phục hồi vào năm 2023. Tuy nhiên với lạm phát vẫn đang ở mức cao, nhiều đợt tăng lãi suất vẫn đang diễn ra và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày một rõ ràng, các nhà đầu tư có thể sẽ phải tiếp tục chờ đợi.