Khối ngoại gom mạnh MWG, bộ đôi cổ phiếu nhà FPT kéo nhau vượt đỉnh

MWG FPT
16:24 - 25/04/2024
MWG và FPT là điểm sáng của thị trường.
MWG và FPT là điểm sáng của thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Với tác động tích cực từ thông tin kết quả kinh doanh và kế hoạch xây nhà máy AI, cổ phiếu FPT tiếp tục tăng tốc lập đỉnh mới, bất chấp thị trường điều chỉnh.

Phiên 25/4, thị trường chứng khoán diễn biến giằng co trên nền thanh khoản thấp. Chỉ số VN-Index đóng cửa ở mốc 1.204,97 điểm, giảm 0,6 điểm so với kết phiên hôm qua. HNX-Index và UPCoM cũng giảm nhẹ. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 14.000 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 4.500 tỷ đồng và tiếp tục bán ròng hơn 460 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Sau phiên bị bán ròng đột biến gần 1.000 tỷ đồng hôm qua, chứng chỉ quỹ FUEVFVND hôm nay vẫn tiếp tục bị “xả” mạnh nhất, với giá trị hơn 277 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có DIG, GAS, chứng chỉ quỹ FUESSVFL trên 40 tỷ đồng; GEX, HDB trên 30 tỷ đồng; CTR, LPB, HDC, MSN, EVF trên 20 tỷ đồng...

Chiều ngược lại, MWG được mua ròng mạnh nhất 210 tỷ đồng, tiếp theo là VND, TPB, HPG trên 40 tỷ đồng; KDH, VNM trên 20 tỷ đồng...

VN30 diễn biến tích cực hơn khi tăng nhẹ 1,55 điểm, nhờ sự đóng góp của bộ đôi FPT +2,6%, MWG +2,9%. Các mã bluechip ở chiều tăng còn có MSN +1,8%, SAB +1,5%, VNM +1,1%; VIC, VHM, VCB, HDB, CTG, BCM tăng nhẹ. Chiều giảm sâu nhất là TCB -1,8%, MBB -1,3%, VIB -1,2%, còn lại giảm dưới 1%.

FPT và MWG đang cho thấy sức hút dòng tiền vượt trội bất chấp thị trường điều chỉnh. MWG kết phiên ở mức giá 53.800 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 9/2023. Cổ phiếu của Thế giới Di động đã lấy lại hoàn toàn phần giá trị đã mất trong đợt điều chỉnh vừa qua.

FPT tiếp tục lập đỉnh mới ở vùng giá 123.200 đồng/cp, tăng gần 10% chỉ sau hai phiên giao dịch. Vốn hoá của tập đoàn công nghệ tăng vượt mốc 157.000 tỷ đồng, vươn lên vị trí thứ 9 trong top 10 cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất sàn HoSE, và tiến gần sát Vingroup (hơn 160.000 tỷ đồng).

Với sự tích cực của FPT, nhóm công nghệ thông tin tiếp tục dẫn đầu chiều tăng. Một mã khác cũng thuộc “họ FPT” là FOX của FPT Telecom cũng tăng mạnh 8,4%, xác lập mức đỉnh mới ở vùng giá 61.900 đồng/cp. Ngoài ra trong nhóm còn có VGI của Viettel Global tăng 5,2% lên mức giá đỉnh 63.300 đồng/cp. Ngược lại, CMG -1,6%, CTR -1,6%.

Các nhóm nông nghiệp, bán lẻ, thiết bị điện cũng ở chiều tăng với các đại diện như HAG +1,6%, HNG +2%, VIF +7,6%, MWG +2,9%, FRT +1,3%, GEX +2,5%...

Các nhóm trụ cột đều bị giảm vốn hoá nhưng với tỷ lệ nhẹ. Giảm mạnh nhất là nhóm chứng khoán, với đa số các mã giảm giá.

Các mã giảm đáng kể là CSI -2,4%, EVS -2,7%, PSI -2,5%, VDS -2,4%, VIG -2,8%... SSI, VCI, VIX, HCM giảm trên dưới 1%. VND và SHS ngược dòng tăng nhẹ. BMS, DSC, PHS, TVB cũng ở chiều tăng.

Nhóm ngân hàng ghi nhận TCB và VIB tác động tiêu cực nhất với mức giảm như đã kể trên. ACB, BID, SSB, STB, TPB giảm dưới 1%. Chiều tăng ngoài VCB, HDB, CTG thì còn một số mã nhỏ nhưng tỷ lệ cũng không đáng kể.

Tương tự tại nhóm xây dựng và bất động sản, các cổ phiếu biến động trong biên độ hẹp. Ngoài bộ đôi VIC, VHM thì còn có TCH, KOS, KDH, VCG, FCN, VPI, SZC, PC1... cũng ở chiều tăng. QCG sau 3 phiên điều chỉnh lại tăng trần lên mức giá 15.900 đồng/cp. Chiều giảm có DIG, PDR, DXG, NLG, HDC, CEO, HUT, HHV, HDC, CTD, CII, REE, DPG, BCG...

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.