Nhịp sống đang dần trở lại bình thường tại thủ đô Kiev, Ukraine, sau khi quân đội Nga rút đi. Ảnh: Reuters |
Trong hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước quý I/2022, với mục tiêu chia sẻ và cập nhật thông tin các thị trường trọng điểm, các đại biểu và doanh nghiệp rất quan tâm đến 2 thị trường đang bị ảnh hưởng do tình hình chiến sự căng thẳng hiện nay là Nga và Ukraine.
Thị trường Nga đang cải thiện về mức cũ
Theo đó, ông Dương Hoàng Minh, tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga cho biết, những biện pháp cấm vận nhắm tới nền kinh tế, tài chính Nga của các quốc gia châu Âu và Mỹ đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Nga.
Việc phong tỏa các tài khoản ngoại tệ của Nga ở các ngân hàng nước ngoài thời gian đầu đã khiến đồng Ruble mất giá mạnh mẽ, khiến các ngân hàng tại Nga phải tăng lãi suất lên 20% thay vì 7,5% như trước đây, nhằm giữ dòng tiền tại ngân hàng và cấm việc chuyển ngoại tệ ra khỏi Nga. Đồng thời, giá cả các loại hàng hóa tiêu dùng đã tăng mạnh chỉ trong 1 tuần. Giới chuyên gia Nga dự đoán lạm phát năm nay của nước này sẽ rơi vào khoảng 18%.
Tuy nhiên, đến hiện tại, đồng Ruble của Nga đã phục hồi lại giao dịch ở mức khoảng 83 ruble/1 USD, tương đương mức giá giai đoạn cuối tháng 2, thời điểm trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Trong 2 tháng đầu năm nay, thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chiếm tỉ trọng cao tại thị trường Nga như hạt tiêu, hạt điều, cá phile…
Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 28/2, các doanh nghiệp Việt Nam đều lo ngại về việc thiếu phương tiện chở hàng hóa, dẫn tới gián đoạn hoạt động xuất khẩu và gây khó khăn cho doanh nghiệp khi bị tồn động hàng hay không thể hoàn thành đơn hàng kịp thời cho khách hàng tại Nga.
Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Nga, tình hình này đã sớm được cải thiện. Thậm chí đã bắt đầu có những chuyến tàu vận chuyển hàng hóa từ giữa tháng 3 từ Việt Nam tới thẳng Nga. Thời gian vận chuyển mất khoảng hơn 20 ngày để cập bến tại Nga và khoảng 40 ngày để đến được kho hàng của người mua tại Nga.
Đây là chuyển biến tích cực mới cho giao thương giữa Việt Nam và Nga, vì trước đây, hàng hóa của Việt Nam chỉ có thể đi đường vòng tới châu Âu, rồi quá cảnh tại các nước này và vào Nga theo tuyến biên giới đất liền. Điều này sẽ gây tốn nhiều thời gian, chi phí và phức tạp hơn so với việc có thể thiết kế chuyến tàu đi thẳng từ Việt Nam tới Nga.
Ngoài ra, về vấn đề thanh toán thì theo các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với Nga thì việc này chỉ gián đoạn trong thời gian đầu, do đồng Ruble của Nga bị mất giá trầm trọng khiến các doanh nghiệp của Nga đề nghị hoãn việc thanh toán đợi tình hình đồng nội tệ này ổn định hơn.
Hiện nay, việc thanh toán với đối tác Nga đã trở lại bình thường. Ngoài ra, chỉ có 7 ngân hàng lớn của Nga bị xóa khỏi hệ thống SWIFT, trong khi Nga có hơn 300 ngân hàng nên việc thanh toán với doanh nghiệp Việt không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi chính sách trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Hiện các doanh nghiệp Việt đang đẩy mạnh xuất khẩu trở lại và Nga nhằm tận dụng những khoảng trống trên thị trường, khi các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ rút khỏi nước này.
Tuy nhiên, những khó khăn mà Nga gặp phải trong thời gian này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới thương mại song phương Việt Nam - Nga. Bối cảnh này khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga giảm mạnh 5 lần, nhưng kim ngạch nhập khẩu lại tăng 30% trong tháng 3/2022.
Cơ hội giao thương khi Ukraine phục hồi sau chiến tranh
Đối với thị trường Ukraine, theo Thương vụ Việt Nam tại nước này, hiện nay các sân bay, cảng biển của Ukraine đều bị đóng cửa, tình hình giao thương còn vô cùng khó khăn. Nhiều nước đang chịu ảnh hưởng bởi việc này khi Ukraine cung cấp khoảng 30% sản phẩm lúa mỳ, 20% sản phẩm ngô và 70% sản phẩm dầu hướng dương cho thị trường thế giới.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ukraine đã giảm mạnh gần 10 lần, chỉ bằng khoảng 10% của tháng 2. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ quốc gia này của Việt Nam vẫn giữ ở mức cao.
Dù vậy, các mặt hàng xa xỉ phẩm vẫn khó tăng trưởng tại thị trường Ukraine. Nhưng mặt hàng nông sản và lương thực như gạo thì sẽ có tiềm năng phát triển. Ngoài ra, hiện còn nhiều lô hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ukraine bị mắc kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Ukraine tin rằng tình hình thương mại giữa hai nước sẽ sớm khởi sắc khi Ukraine đang có những chính sách hồi phục nền kinh tế. Theo đó, các ngành thu gom phế liệu và xây dựng cũng như xuất khẩu vật liệu xây dựng sẽ là những ngành đầu tiên được hưởng lợi. Bởi trong quá trình hồi phục sau chiến tranh, Ukraine sẽ cần dọn dẹp, tái cơ cấu và xây lại những công trình bị bom đạn tàn phá.
Ngoài ra, nhu cầu về nông sản và lương thực của quốc gia này trong những tháng tới sẽ tăng cao, khi mà nước này đang đến thời điểm bắt đầu mùa vụ nhưng không thể gieo hạt do chiến tranh. Tuy nhiên, hiện các chuỗi vận chuyển, hậu cần tại nước này đang khó khăn, tê liệt, đẩy giá cước vận chuyển lên cao và gây khó khăn khi giao hàng.