GDP Philippines tăng trưởng 5,7% trong quý 1/2024 nhờ chi tiêu hộ gia đình và xuất khẩu. Ảnh: Nikkei Asia |
Theo dữ liệu được Cơ quan Thống kê Philippine công bố ngày 9/5, mức tăng trưởng của quý đầu tiên cao hơn mức 5,5% được ghi nhận trong quý 4/2023. Trước đó vào tháng 4, chính phủ Philippines đưa ra kỳ vọng nền kinh tế quốc gia sẽ tăng trưởng từ 6.0% tới 7,0% trong cả năm 2024.
Về các lĩnh vực cụ thể, Nikkei Asia trích dẫn dữ liệu chính thức cho thấy chi tiêu hộ gia đình chậm lại ở mức 4,6% trong quý đầu năm 2024 so với mức tăng 5,3% trong quý 4/2023. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,5% trong quý 1/2024, phục hồi sau mức giảm 2,5% được ghi nhận trong quý trước đó.
Nhận định trước các phóng viên ngày 9/5, Bộ trưởng Kinh tế và Phát triển Quốc gia Philippines Arsenio Balisacan cho biết: "Thúc đẩy sự lạc quan của chúng tôi là sự thay đổi đáng kể về tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực xuất khẩu ròng khi chỉ số này đã tăng trở lên mức 9,5%”. Ông cho biết động lực chính tới từ "sự phục hồi trong xuất khẩu các sản phẩm điện tử" trong khi "nhập khẩu vẫn im ắng do nhập khẩu thiết bị vận tải giảm”.
Aris Dacanay, chuyên gia kinh tế tại HSBC, cũng có tầm nhìn tích cực khi đưa ra dự đoán nền kinh tế Philippines sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm nay và 6,1% vào năm 2025, vượt xa các nước láng giềng Đông Nam Á khác. Trả lời Nikkei Asia, ông cho biết: “Với tốc độ này, Philippines có khả năng trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở ASEAN”.
Bất chấp dấu hiệu tích cực, những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế của đất nước vẫn tồn tại. Hiện tượng thời tiết El Nino gây ra khô hạn và hạn hán đã ảnh hưởng tiêu cực tới ngành nông nghiệp Philippines, khiến sản lượng nông nghiệp bị ảnh hưởng và gây thiệt hại 103 triệu USD. Giá lương tăng cao khiến lạm phát tháng 4/2024 của Philippines tăng lên 3,8%.
Theo Nikkei Asia dẫn lời ông Nicholas Antonio Mapa, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng ING ở Manila, “El Nino có thể sẽ hạn chế mức tăng của ngành nông nghiệp và sản xuất do sản lượng thấp hơn”. “
Ông cũng nêu lên một mối lo ngại khác tới từ việc “nhập khẩu đang chậm lại, với sự trì trệ đáng chú ý nhất ở nhập khẩu vốn và nguyên liệu thô quan trọng, những yếu tố thường được sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Trong khi đó theo ông Miguel Chanco, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á mới nổi tại Pantheon Macro Economics, "El Nino chắc chắn là một mối đe dọa, cả về tăng trưởng và lạm phát” và có thể trở nên tồi tệ hơn nếu nó thúc đẩy việc các quốc gia ngăn chặn xuất khẩu để bình ổn giá cả trong nước.
Trước đó vào năm 2023, Philippines đã thất bại trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng do tác động của giá cả tăng cao đối với chi tiêu hộ gia đình.
Nhìn chung trong khu vực Đông Nam Á, dữ liệu công bố ngày 6/5 của Cơ quan Thống kê Indonesia cho thấy nền kinh tế quốc gia này tăng trưởng 5,11% trong quý 1/2024 so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức 5,04% ghi nhận được trong quý liền kề trước đó.
Mức tăng trưởng trong quý 1/2024 của Indonesia được hỗ trợ bởi tiêu dùng hộ gia đình tăng 4,91%, chủ yếu nhờ các chi phí liên quan đến tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo bao gồm chi phí đi lại, thực phẩm, nhà hàng và khách sạn.
Về phía sản xuất, những ngành đóng góp chính vào tăng trưởng là công nghiệp khai khoáng, chế biến, xây dựng và thương mại. Về phía tiêu dùng, yếu tố đóng góp chính là chi tiêu hộ gia đình. Trong khi đó, chi tiêu chính phủ tăng mạnh 19,9% nhờ các hoạt động liên quan tới cuộc bầu cử tháng 2 vừa qua của các đảng phái chính trị.