Mức lãi suất tiết kiệm tuần qua của các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm, đặc biệt điều chỉnh mạnh nhất với các kỳ hạn 6-12 tháng trở lên. Mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện chỉ quanh 6-6,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Tại VietinBank, lãi suất huy động mới có mức giảm từ 0,2 - 0,3%/năm tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, đưa lãi suất các kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng xuống 3,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 4,7%/năm xuống 4,5%/năm.
BIDV cũng có động thái tương tự khi giảm 0,2% - 0,3% ở hàng loạt kỳ hạn. Sau khi giảm, lãi suất huy động kỳ hạn 3 - 5 tháng còn 3,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 - 11 tháng được niêm yết ở mức 4,6%/năm.
Như vậy, nhóm Big 4 đã giảm lãi suất huy động cao nhất xuống còn 5,5%/năm - ngang mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn Covid-19.
Ở nhóm các ngân hàng cổ phần tư nhân, do tín dụng tăng chậm, ngân hàng ứ vốn nên lãi suất huy động cũng giảm liên tục. Có ngân hàng huy động gần ngang mức lãi suất tại nhóm các ngân hàng quốc doanh.
Từ đầu tháng 9 đến nay đã có hơn 20 ngân hàng thương mại cổ phần giảm lãi suất huy động. Trong đó, MB, OCB, ACB, Techcombank, Nam A Bank và GPBank đã hai lần giảm lãi suất kể từ đầu tháng.
Techcombank trong chưa đầy 1 tháng giảm tới 3 lần. Biểu lãi suất huy động online với tài khoản tiết kiệm mở mới dưới 1 tỷ đồng cho tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 3,65%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng còn 4,05%/năm, giảm khoảng 2 điểm %. Còn với tiền gửi kỳ hạn 6-8 tháng và 9-11 tháng hiện lần lượt là 5,25%/năm và 5,3%/năm, giảm 1 điểm %.
Tại Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank), lãi suất kỳ hạn 6 tháng còn 5,6%/năm; kỳ hạn từ 7 - 11 tháng còn 5,9%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 - 14 tháng cũng xuống mức 6,3%/năm.
NCB ngày cuối tuần vừa rồi cũng công bố giảm lãi suất lần thứ 2 kể từ đầu tháng 9. Nhà băng này giảm khoảng 3 điểm % lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 6-36 tháng. Lãi suất huy động kỳ hạn 6-8 tháng giảm còn 6,3%/năm, kỳ hạn 9-12 tháng còn 6,35%/năm, kỳ hạn 12-36 tháng còn 6,4%/năm.
Ngóng lãi suất cho vay hạ nhiệt
Tuy nhiên, bất chấp lãi suất huy động tuột dốc, nhưng lãi suất cho vay chỉ giảm rất nhẹ, thậm chí còn tăng nếu hết thời hạn ưu đãi lãi suất, nhất là với các khoản vay mua nhà.
Tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội được tổ chức vào chiều 21/9, nhiều doanh nghiệp cho biết lãi suất cho vay vẫn quá cao, vượt quá sức chịu đựng của họ, nhất là trong bối cảnh sức mua giảm, thị trường gặp khó.
Lắng nghe những phản ánh, kiến nghị từ phía các doanh nghiệp tại hội nghị trên, đại diện một số ngân hàng thương mại cũng đã chia sẻ mong muốn đồng hành cùng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết bản thân các ngân hàng cũng phải tự điều chỉnh lãi suất nhằm đảm bảo cân bằng giữa hai mục tiêu là hiệu quả kinh doanh và hấp dẫn khách hàng. Trong bối cảnh 'đang phải chữa bệnh thừa tiền', các ngân hàng chịu áp lực phải điều chỉnh lãi suất cho vay về mức hợp lý.
Tuy nhiên, với lãi suất huy động cao nhất chỉ còn dưới 6%/năm, ngân hàng này sẽ tính toán cân đối để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Hơn nữa, lãi suất cho vay chưa thể giảm nhanh do vẫn còn những khoản huy động với lãi suất 10%/năm từ cuối năm ngoái chưa tất toán xong.
Nhìn nhận lãi suất cho vay sẽ giảm từ từ chứ không thể xuống nhanh như lãi suất huy động, Chứng khoán VNDirect dự báo lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm trong những tháng tới do chi phí vốn của các NHTM đang giảm nhờ: tác động từ việc NHNN cắt giảm lãi suất trong thời gian vừa qua và NHNN ban hành Thông tư 02 cho phép gia hạn trích lập dự phòng nợ xấu.
Theo đó, VNDirect kỳ vọng lãi suất cho vay giảm thêm 100-150 điểm cơ bản trong những tháng cuối năm 2023 và đây sẽ là động lực chính cho sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân.